Một nhân viên đang nhìn vào một con robot tại địa điểm tổ chức Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Đó là trí tuệ nhân tạo (AI). Theo thông tin mới nhất được nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha công bố vào ngày 6/8, Trung Quốc có thêm hơn 237.000 công ty mới liên quan tới AI chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024. Con số này giúp nâng tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở Trung Quốc lên tới 1,67 triệu.
Trong số đó, có hơn 1,48 triệu công ty, tương đương với gần 90%, được thành lập vào sau năm 2017, khi chính phủ Trung Quốc đưa ra Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo Thế hệ mới, với mục tiêu đưa quốc gia này tiên phong toàn cầu trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, những công ty có liên quan đến lĩnh vực AI chủ yếu tham gia phát triển về chatbot và mộ số mô hình ngôn ngữ lớn sơ khai. Theo SCMP, số đăng ký doanh nghiệp mới ở Trung Quốc đạt kỷ lục là hơn 467.000 vào năm 2023, sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối tháng 11/2022.
Tính đến nay, Trung Quốc có 4 "con hổ AI", với mỗi công ty có khả năng huy động hàng tỷ USD, bao gồm Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax. Ngoài ra, các doanh nghiệp như Baidu, ByteDance, Alibaba… cũng đang phát triển mô hình AI được đánh giá là có chất lượng cao.
Thế nhưng, sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực AI cũng khiến nhiều công ty ngừng hoạt động. Trong năm 2023, có gần 50.000 doanh nghiệp có liên quan tới AI ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí.
Trung Quốc sẽ là đối thủ đáng gờm của Mỹ về AI?
Sự ra đời của AI đã và đang tạo ra một làn sóng không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về phát triển AI trên thế giới. Theo đó, mục tiêu của Trung Quốc là trở thành trung tâm đổi mới AI hàng đầu vào năm 2030 và tăng giá trị ngành AI của quốc gia này lên hơn 1 nghìn tỷ NDT trong cùng năm. Trên thực tế, Trung Quốc đã chia mục tiêu này thành 3 giai đoạn và đặt ra các tiêu chuẩn cho năm 2020, 2025 và 2030, đồng thời như đưa ra một số chính sách, bao gồm "Internet + AI" và "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới", nhằm khuyến khích tăng trưởng ngành.
Trong khi phương Tây đang chạy đua để tạo ra những tính năng mới của AI thì các công ty của Trung Quốc lại tập trung vào ứng dụng thực tiễn.
Theo CNBC, tại triển lãm Viva Technology 2024 diễn ra vào tháng 5/2024 tại Paris, CEO Baidu Robin Li cho rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa AI của Trung Quốc và phương Tây chính là tính ứng dụng. Cụ thể, Trung Quốc có tới hàng trăm mô hình cơ bản nhưng mọi người đang ngày càng thảo luận nhiều về các siêu ứng dụng trong kỷ nguyên AI. CEO Baidu cho biết, việc ứng dụng đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của AI tại Trung Quốc.
Theo giới quan sát, dù Mỹ là quốc gia trình làng ChatGPT nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là một đối thủ đáng gờm cho bất cứ quốc gia nào. Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO công bố tháng 7/2024, trong 10 năm qua (từ năm 2014 – 2023), trên thế giới có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ AI tạo sinh (GenAI), chẳng hạn như khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, âm nhạc, mã máy tính. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ về GenAI, tức là gấp 6 lần so với số lượng 6.276 được Mỹ nộp trong thập kỷ qua.
Bài tham khảo nguồn: SCMP, CNBC, Baidu