Đây là lần đầu tiên trong 100 năm qua, nước Mỹ không bầu được chủ tịch Hạ viện ngay từ vòng 1 cuộc bỏ phiếu. Kết quả này không những cho thấy, nội bộ phe Cộng hòa đang chia rẽ mà còn tác động không nhỏ đến các tiến trình pháp lý khác của chính trường Mỹ.
Ông Kevin McCarthy, ứng viên Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Tại vòng bỏ phiếu thứ 6 diễn ra hôm qua ứng viên Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa tiếp tục không nhận được số phiếu quá bán là 218 ghế để trở thành Chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ. Thất bại của ông McCarthy xuất phát từ việc 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống, khiến ông chỉ giành được 202 phiếu, cách xa so với mức quá bán để tuyên bố chiến thắng. Kết quả bỏ phiếu này khiến ông McCarthy giành được số phiếu còn ít hơn đối thủ phe Dân chủ (phe thiểu số tại Hạ viện) là ông Hakeem Jeffries khi ông này có sự ủng hộ của toàn bộ 212 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ.
Phát biểu trước báo giới sau vòng bỏ phiếu mới nhất, ông McCarthy vẫn duy trì tâm lý lạc quan trước những thất bại vừa trải qua, với tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đua ghế chủ tịch Hạ viện: "Tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi sẽ hội đủ 218 phiếu khi giải quyết được vấn đề và cùng đồng lòng. Chúng tôi đã có một cuộc họp đầy căng thẳng vì phục vụ cho một mục đích. Đó là tôi sẽ luôn đấu tranh để đặt người dân Mỹ lên hàng đầu, chứ không phải một số cá nhân đấu tranh vì điều gì đó cho riêng mình. Vì vậy, chúng ta có thể có một trận chiến nhưng trận chiến đó là vì hội nghị, vì đất nước và cả cho tôi nữa"
Với kết quả này, cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ viện có thể kéo dài thêm nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nữa hoặc các nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể sẽ phải xem xét một ứng viên khác, thay thế ông McCarthy. Hiến pháp Mỹ không quy định thể thức bầu chọn chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên theo tiền lệ, một ứng viên phải giành được quá bán số phiếu sẽ đắc cử, nhưng ngưỡng quá bán không phải lúc nào cũng là 218 vì những người bỏ phiếu trắng sẽ không được tính.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua, việc bầu chủ tịch Hạ viện phải tổ chức bỏ phiếu lại. Trước đó, cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ viện năm 1923 cũng đã phải trải qua 9 lần bỏ phiếu mới bầu được chủ tịch. Kết quả bỏ phiếu này không những cho thấy, nội bộ phe Cộng hòa đang chia rẽ mà còn tác động không nhỏ đến các tiến trình pháp lý khác của chính trường Mỹ.
Việc chưa bầu được chủ tịch khiến hoạt động của Hạ viện Mỹ bị tê liệt. Nhiều hoạt động như tổ chức lễ tuyên thệ cho các thành viên, bổ nhiệm chủ tịch các ủy ban hay tiến hành các thủ tục khác vì thế cũng đã không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cuộc bỏ phiếu kéo dài được cho sẽ làm suy yếu tham vọng của đảng Cộng hòa ở Hạ viện trong việc nhanh chóng thực hiện các ưu tiên nhằm cân bằng lại chương trình nghị sự với phe Dân chủ tại Hạ viện. Diễn biến này cũng nêu bật những thách thức mà đảng Cộng hòa có thể phải đối mặt trong hai năm tới, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024./.