Tờ Nikkei Asian Review cho hay chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã vượt mức 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Điều trớ trêu là nền kinh tế này lại đang mất ngôi vị số 3 thế giới vào tay Đức, rơi vào suy thoái kỹ thuật, dân số già hóa và lãi suất âm khó thay đổi.
Điều này tạo ra tình huống cực kỳ khó xử cho Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khi họ đang cần điều tiết nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật thì thị trường chứng khoán lại bùng nổ bất chấp các yếu tố tiêu cực.
Đồng quan điểm, tờ Forbes cho biết tất cả sự khó xử này đều bắt nguồn từ Warren Buffett, dù nhà đầu tư này có thể không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến đà tăng giá chứng khoán nhưng ông chính là kẻ khơi mào cho đám đông nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản.
Yếu tố nước ngoài
Chuyên gia chiến lược Charu Chanana của Saxo Capital Markets nhận định đà thăng hoa của thị trường chứng khoán Nhật Bản hiện nay lại chịu tác động từ nước ngoài với báo cáo thị trường tiêu dùng tích cực tại Mỹ và kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6 tới đây.
"Ngưỡng 40.000 điểm là mức tâm lý quan trọng của thị trường. Chừng nào các yếu tố nước ngoài còn tác động và đồng Yên còn rẻ thì tâm lý tích cực vẫn duy trì trên thị trường bất kể chứng khoán Nhật Bản có tăng quá nóng đi chăng nữa", chuyên gia Chanana khẳng định.
Bên cạnh yếu tố Warren Buffett, hãng tin Bloomberg cho rằng việc Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng, nhu cầu yếu và căng thẳng thương mại với Mỹ đã khiến dòng vốn nước ngoài dịch chuyển sang Nhật Bản.
Khoảng 1/3 số doanh nghiệp phi tài chính trong bảng Nikkei có dòng tiền ròng ở mức dương, nghĩa là có nhiều tiền mặt hơn nợ. Một số tập đoàn cũng bắt đầu mua lại cổ phiếu và gia tăng cổ tức, trong khi quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới là BlackRock Inc và quỹ lớn nhất Châu Âu là Amundi Asset Management đều khẳng định tăng trưởng lợi nhuận tại Nhật Bản sẽ còn bùng nổ.
23 năm
Tờ Forbes nhận định sau 23 năm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ xuống mức lãi suất âm để kích thích kinh tế, BOJ đã kỳ vọng sẽ điều tiết chính sách tài khóa trở lại như trước khi bước vào năm 2024.
Việc Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật khi GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, mất ngôi vị nền kinh tế số 3 thế giới vào tay Đức vì đồng Yên yếu và đối mặt sự bất ổn của Trung Quốc, một trong những thị trường chính của Nhật Bản, đã khiến BOJ nhiều khả năng tăng lãi suất khỏi mức âm.
Thế nhưng việc Warren Buffett đổ tiền vào chứng khoán Nhật Bản khiến nguồn vốn nước ngoài noi theo chảy về đây lại khiến BOJ cực kỳ khó xử.
Động thái nâng lãi suất dù đảm bảo đồng Yên tăng giá và khiến Nhật Bản lấy lại ngôi vị số 3 về xếp hạng GDP tính theo đồng USD, đồng thời phòng bị cho cuộc suy thoái kỹ thuật thì lại có thể vùi dập chứng khoán, dọa sợ nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đồng Yên yếu thu hút dòng vốn nước ngoài, lãi suất âm khuyến khích các quỹ như Berkshire Hathaway của Buffett vay vốn thì việc đảo ngược chính sách có thể làm xu thế này bị chặn đứng, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên việc không tăng lãi suất cũng khiến BOJ lâm vào cảnh khó khăn do GDP nước này đã giảm 3,3% trong quý III/2023 và 0,4% quý IV/2023.
Hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 1/2024 cũng không như kỳ vọng khi sản lượng giảm 7,5% so với tháng trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm Nhật Bản giãn cách vì đại dịch Covid-19.
Do đó BOJ có nhiều lý do để tăng lãi suất, nhưng động thái này sẽ bị nhà đầu tư đổ lỗi thành nguyên nhân chấm dứt các đợt tăng giá chứng khoán, ngừng dòng vốn đầu tư nước ngoài, đi cùng sự chỉ trích đến Thống đốc BOJ Kazuo Ueda.
Xin được nhắc rằng cuộc khủng hoảng thập niên 1990 và 2000 đã khiến rất nhiều nhà đầu tư lẫn người dân đổ lỗi cho BOJ vì không biết điều hành, để nguồn vốn nước ngoài rút chạy khỏi thị trường chứng khoán dẫn đến sụp đổ.
Mặc dù những lần thắt chặt chính sách tiền tệ trước đây đều nhằm củng cố thị trường vốn đang bị thổi phồng quá cao và đầy nguy hiểm, thế nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân thì chỉ quan tâm đến việc họ có đang bị mất tiền hay không thay vì nhìn bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế vĩ mô.
Trong trường hợp này, Thống đốc Ueda sẽ phải suy nghĩ rất nhiều nếu không muốn bị mang danh là tội đồ của thị trường chứng khoán.
Rất rõ ràng, việc Buffett mạo hiểm đổ tiền vào Nhật Bản trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thông tin tiêu cực đã thúc đẩy chứng khoán nhưng lại khiến BOJ đau đầu.
Khi Buffett mạo hiểm
Theo hãng tin Bloomberg, việc Warren Buffett đầu tư vào Nhật Bản là cực kỳ mạo hiểm khi chỉ số tiêu dùng tư nhân sụt giảm 0,2% trong quý IV/2024, còn đầu tư kinh doanh cũng giảm 0,1% cùng kỳ.
Độ tuổi trung bình của Nhật Bản là 49,1 tuổi, cao hơn 38,1 ở Mỹ và chính quyền Tokyo đang gặp rắc rối lớn về nguồn lao động khi không muốn nhận quá nhiều người nước ngoài tràn vào thị trường.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, tờ Forbes cho rằng hàng thập kỷ lãi suất âm đã biến Nhật Bản thành nơi trú ẩn tài sản an toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
Thực sự có những lý do chính đáng giải thích tại sao các nhà quản lý tài sản toàn cầu đang khám phá lại Nhật Bản. Chúng bao gồm những nỗ lực trong thập kỷ qua nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp, Nhật Bản là nơi trú ẩn an toàn trong một thế giới đầy biến động và lãi suất bằng 0.
Tờ Fortune cho hay thành quả đầu tư khả quan ở Nhật Bản khi tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đầy tích cực khiến Berkshire Hathway, vốn chỉ ưa thích những thương hiệu Mỹ như Apple, Coca Cola cũng không thể làm ngơ.
Thậm chí cánh tay phải của Warren Buffett là Charlie Munger, người đã qua đời vào cuối năm 2023, cũng đã từng thừa nhận rằng cơ hội kiếm tiền này quá "thơm ngon" (Juicy) để có thể cưỡng lại.
"Nếu bạn thông minh như Warren Buffett thì sẽ nhận ra đây là cơ hội mà 2-3 thế kỷ mới có một lần", Charlie Munger cho biết.
"Lãi suất ở Nhật Bản đang rất thấp và những công ty tại đây hầu hết là các doanh nghiệp lâu đời. Những công ty này có các mỏ đồng và những đồn điền cao su giá rẻ. Bởi vậy bạn có thể vay tiền thời hạn 10 năm để mua cổ phiếu với cổ tức bình quân 5%/năm. Đó là dòng tiền khổng lồ mà chẳng cần nhiều vốn tự thân để đầu tư, chẳng cần suy nghĩ nhiều làm gì mà vẫn có lãi", cánh tay phải của Warren Buffett nói tiếp.
Nói một cách đơn giản, Berkshire hiện có thể huy động số tiền cho các khoản đầu tư của mình với chi phí vay vốn cực thấp do lãi suất âm, sau đó đổ tiền vào các cổ phiếu đáng tin cậy có cổ tức ổn định và ăn lãi dài hạn mà chẳng cần nghĩ nhiều.
Báo cáo cho thấy Berkshire đã nâng số cổ phần nắm giữ tại 5 công ty Nhật Bản từ 5% tháng 8/2020 lên 7,4% tháng 4/2023.
Bước đi đầy mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản suy thoái đã giúp Buffett trở thành người tiên phong hưởng lợi trong đà tăng của chứng khoán nước này hiện nay.
Thật vậy, chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kuijs của S&P Global Ratings chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương nhận định tỷ suất lợi nhuận cao kỷ lục của các doanh nghiệp Nhật Bản đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, làm lu mờ câu chuyện "thập kỷ mất mát" hay những tín hiệu tiêu cực khác.
Tháng trước, Toyota đã lập kỷ lục về tổng mức vốn hóa cao nhất cho một hãng Nhật Bản với 48,7 nghìn tỷ Yên, tương đương 323,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục cũ NTT vào năm 1987.
Theo nhiều ước tính, tổng giá trị của Toyota hiện nay vào khoảng 57,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 381,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với NTT vốn chỉ có 16,4 nghìn tỷ Yên (108,6 tỷ USD).
Tờ New York Times dẫn số liệu của Japan Exchange Group cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm ròng 14 tỷ USD trong tháng 1/2024 vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Tương tự, báo cáo của Goldman Sachs cho thấy thu nhập trong quý IV/2023 của doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng 45% so với cùng kỳ năm trước nhờ đồng Yên yếu, khiến hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh hơn.