Nhà Thanh khi mới thành lập, dưới sự cai trị của Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, phát triển cực thịnh. Thế nhưng một đất nước hùng mạnh tới vậy vẫn không tránh được những vết trượt dài tới suy vong, thật khiến người ta không khỏi tiếc nuối.
VAI TRÒ CỦA TỪ HI THÁI HẬU VỚI NHÀ THANH
Vào giai đoạn cuối, nhà Thanh bị bủa vây bởi các cường quốc khác, phải đối mặt với chiến hạm, súng ống đạn dược của người phương Tây nhưng không có những động thái chấn hưng tinh thần, chấn chỉnh bộ máy triều đình. Vì vậy, việc mất nước vào tay các thế lực phương Tây là điều không thể tránh khỏi.
Mọi người đều biết rằng người nắm quyền những năm cuối cùng của Thanh triều là Từ Hi Thái hậu, một người có tư tưởng phong kiến cổ hủ, ngăn cản cải cách biến pháp. Vậy nên trong những cuộc tiếp xúc với người phương Tây, Từ Hi thái hậu với những suy nghĩ cổ hủ của mình đã gây ra không ít chuyện cười. Điển hình là lần đầu ngồi xe hơi, bà ngạc nhiên không thốt được nên lời.
Cổ nhân có câu "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", thế nên với sự hiểu biết hạn hẹp về văn hóa phương Tây bấy giờ, nhà Thanh khó mà thoát khỏi bàn tay của người phương Tây.
Từ Hi (29/11/1835 - 15/11/ 1908) tức Hiếu Khâm Hiển hoàng hậu, Diệp Hách Na Lạp Thị, là phi tần của Hàm Phong đế, mẹ đẻ của Đồng Trị đế. Sau khi Đồng Trị đế lên ngôi, tôn phong bà là thánh mẫu hoàng thái hậu.
Sau khi Quang Tự đế lên ngôi, bà tự xưng là "Hoàng ba ba", mọi người đều gọi là lão Phật gia. Bà và Từ An thái hậu cùng buông rè nhiếp chính tại Dưỡng Tâm điện suốt 20 năm, cho tới năm Quang Tự thứ bảy, Từ An thái hậu qua đời, Từ Hi thái hậu mới một mình nắm quyền.
Trên thực tế, trong suốt những năm Đồng Trị và Quang Tự tại vị, Từ Hi thái hậu chính là người nắm quyền cao nhất. Trong những năm bà cai trị, từng hai lần xảy ra chính biến, lập thái từ hai lần, thúc đẩy cải cách ba lần.
SỰ CỔ HỦ, LẠC HẬU, BẾ QUAN TỎA CẢNG KHIẾN THANH TRIỀU DIỆT VONG
Từ Hi nắm trong tay quyền lực tối cao, đời sống vô cùng xa hoa. Khi văn hóa phương Tây xâm nhập ồ ạt vào xã hội Trung Quốc bấy giờ, Từ Hi tự cho rằng mình hiểu rõ về nó và nghĩ bản thân rất thời thượng khi đã bắt kịp trào lưu này. Bà đặc biệt yêu thích máy chụp ảnh và máy hát, cũng say mê khiêu vũ, xiếc thú, biết dùng cả máy quay đĩa nghe vũ khúc.
Về sau, có người cho rằng Từ Hi thích các món đồ chơi của người phương Tây nên đã tìm về một chiếc xe hơi, để Từ Hi thưởng thức phương tiện di chuyển thời thượng nhất bấy giờ. Từ Hi ngồi trên xe, nhìn thấy chiếc xe chạy nhanh, ngay lập tức liền hỏi: "Con ngựa này chạy nhanh như vậy, chắc là phải ăn rất nhiều nhỉ?"
Câu hỏi của Từ Hi khiến cho những người có mặt tại đó đều dở khóc dở cười. Nhưng cho dù muốn cũng không dám cười thành tiếng, đành kiên nhẫn giải thích cho bà nghe cách chiếc xe hơi vận hành.
Sau khi nghe giải thích không biết Từ Hi có hiểu không, nhưng có một điểm có thể khẳng định, đó là Từ Hi thấy lưng của người tài xế đối diện với mình, bà rất không vui, không muốn ngồi xe hơi nữa. Qua chi tiết này có thể thấy không chỉ thiếu hiểu biết mà tư tưởng của Từ Hi Thái hậu rất phong kiến và mù quáng.
Khi đó, xe hơi của Tây phương đã vô cùng phổ cập nhưng suy nghĩ của thái hậu chỉ dừng lại ở thời đại của xe ngựa.
Một Từ Hi mang trong mình tư tưởng phong kiến, đón nhận nửa vời văn hóa Tây phương thực sự đã ngăn cản những bước tiến của Trung Quốc. Khi cuộc chính biến Mậu Tuất diễn ra, phe bảo thủ phong kiến, đứng đầu là Từ Hi thái hậu đã bắt giết hàng loạt những người theo đảng duy tân, cũng như những chí sĩ trong làn sóng đổi mới như Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân, Lâm Húc, Dương Thâm Tú, Dương Nhuệ, Lưu Quang Đệ. 6 người họ bị sát hại thảm khốc tại Bắc Kinh, được ca ngợi là "6 vị quân tử Mậu Tuất".
Về sau Từ Hi còn tiến hành giảm lỏng hoàng đế Quang Tự vì chủ trương cải cách. Có thể nói, triều đình nhà Thanh dưới sự dẫn dắt của Từ Hi thái hậu không những không biết tiếp thu những ưu điểm của văn hóa phương Tây, thay đổi cải cách bộ máy chính trị, mà còn triệt tiêu những văn nhân chí sĩ yêu nước, trực tiếp đẩy nhà Thanh tới kết cục diệt vong.