Việt Nam – Đột phá với phác đồ điều trị dự phòng Lao kháng đa thuốc lần đầu tiên trên thế giới

Ngọc Minh |

Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, do Đại học Sydney, Viện Woolcock và Chương trình chống lao Quốc gia triển khai trong 7 năm tại 10 tỉnh/thành trên toàn quốc.

Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh lao hằng năm còn cao, khoảng 13.000 người. Nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Người có nguy cơ bệnh lao không hề có thuốc điều trị dự phòng.

Ngày 9/9 vừa qua, GS.BS.Nguyễn Thu Anh – Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam - thông báo tin vui rằng thế giới đã tìm ra phác đồ điều trị dự phòng lao kháng thuốc.

"Lần đầu tiên thế giới đã tìm ra phác đồ điều trị dự phòng lao kháng đa thuốc. Và tìm thấy nhờ nghiên cứu VQUIN, thực hiện tại Việt Nam, do ĐH Sydney + Viện Woolcock + Chương trình chống lao QG triển khai trong 7 năm", GS.BS.Thu Anh chia sẻ.

400.000 là số người mắc lao đa kháng mỗi năm trên toàn cầu. Tỷ lệ điều trị thành công chỉ khoảng 50-70%. 1.000.000 là số người tiếp xúc hộ gia đình với những người bệnh này, có nguy cơ lây và mắc bệnh rất cao.

"Điều trị 6 tháng bằng Levofloxacine có thể phòng bệnh lao đa kháng cho những người tiếp xúc nhiễm vi khuẩn này", GS.BS.Thu Anh cho biết.

Nghiên cứu VQUIN được GS.BS.Thu Anh nhắc tới là một trong những nghiên cứu lớn nhằm mục tiêu đánh giá việc sử dụng kháng sinh Levofloxacin để phòng ngừa lao đa kháng trong nhóm người tiếp xúc với bệnh nhân.

Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, do Đại học Sydney, Viện Woolcock và Chương trình chống lao Quốc gia triển khai trong 7 năm tại 10 tỉnh/thành trên toàn quốc, gồm Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang và Cần Thơ.

 - Ảnh 1.

Bác sĩ khám cho người tham gia nghiên cứu (Ảnh: GS.BS Thu Anh cung cấp).

“Trên thế giới từ trước tới giờ không có phác đồ dự phòng lao kháng thuốc mà chỉ có thuốc điều trị khi mắc bệnh. Nếu như gia đình có người mắc bệnh lao đa kháng thuốc, người sống trong cùng gia đình sẽ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Do không có thuốc dự phòng, người có nguy cơ sẽ chỉ còn cách “chờ” mắc bệnh mới bắt đầu điều trị uống thuốc”, GS.BS.Thu Anh cho hay.

Với phác đồ điều trị dự phòng mới, người có nguy cơ cao sẽ không phải thấp thỏm chờ đợi tới khi mắc bệnh mới điều trị.

“Phác đồ điều trị này đã có những bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả. Điều đặc biệt, phác đồ dự phòng này không dùng thuốc mới nên rất dễ mua, kinh tế. Các trường hợp có thể áp dụng mà không cần chờ đợi mắc bệnh mới dùng thuốc. Phác đồ này sẽ giúp cho người tiếp xúc với bệnh nhân lao đa kháng thuốc tránh được nguy cơ mắc bệnh”, GS.BS.Thu Anh nói.

Vị chuyên gia đại diện cho nhóm nghiên cứu giải thích thêm: Người bị nhiễm vi khuẩn lao sẽ không biểu hiện thành bệnh ngay mà sau một thời gian, vi khuẩn lao bị kích hoạt sẽ khiến họ mắc bệnh. Phác đồ điều trị dự phòng này sẽ tiêu diệt vi khuẩn lao, giúp họ không bị mắc bệnh.

Với trường hợp mắc bệnh lao, việc điều trị sẽ khó khăn, kéo dài, tốn kém. Bệnh nhân lao sẽ phải uống rất nhiều thuốc kháng sinh trong 9 tháng tới 24 tháng. Điều quan trọng, khi uống thuốc lao, tác dụng phụ sẽ rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Phác đồ điều trị dự phòng mới đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng trên toàn cầu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại