Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) dẫn lời Hà Lôi - Viện phó Viện Khoa học quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày 2/6 ngang nhiên thừa nhận, Bắc Kinh đang triển khai quân đội và vũ khí trái phép tới các đảo đá ở biển Đông.
"Việc triển khai quân đội và vũ khí [trái phép -ND] tới các đảo đá ở biển Đông nằm trong [cái gọi là -ND] chủ quyền của Trung Quốc và được cho phép của luật pháp quốc tế", đại diện Trung Quốc trắng trợn tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La.
Ông ta cũng so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự trái phép ở biển Đông với quyết định gửi một đơn vị binh lính PLA tới Hồng Kông sau thu hồi năm 1997 của Đặng Tiểu Bình.
Đây là lần đầu tiên đại diện Trung Quốc công khai kế hoạch triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam tại một sự kiện quốc tế.
Tuyên bố này của Lôi trái ngược với thông tin mà ông Tập Cận Bình đưa ra trước đây. Cụ thể, tại cuộc gặp năm 2015 với Tổng thống Mỹ bấy giờ là ông Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ nhận Bắc Kinh có kế hoạch quân sự hóa biển Đông.
Tuy nhiên, theo SCMP, những bức ảnh vệ tinh được công bố hồi tháng trước cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng trái phép ít nhất bốn sân bay quân sự trên các đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và Vành Khăn, Chữ Thập, Xu Bi (Trường Sa).
Ngoài ra, máy bay ném bom H-6K còn cất hạ cánh trái phép tại đảo Phú Lâm và sự xuất hiện bất hợp pháp của tên lửa hành trình chống hạm Ỵ-12B và tên lửa đối không tầm xa HQ-9B ở Vành Khăn, Chữ Thập, Xu Bi.
Ông Andrei Chang - Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense cho rằng, hiện nay Bắc Kinh đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục che đậy bản chất thực sự của các kế hoạch quân sự hóa ở biển Đông được nữa.
"Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh tiến độ quân sự hóa các tiền đồn trên các đảo đá và chúng có thể sẽ trở thành căn cứ hải quân và không quân của PLA trong tương lai", ông này nói.
"Các tòa nhà, cơ sở hạ tầng được trang bị radar trên các đảo đá.... không phải sử dụng cho mục đích dân sự mà là những khu phức hợp quân sự quy mô lớn", ông Chang cảnh báo.
Trong khi đó, dường như để ủng hộ cho những phát ngôn trắng trợn của tướng Hà Lôi, báo Giải phóng quân Trung Quốc cáo buộc chính Mỹ mới là đối tượng "gây rối" ở biển Đông với các động thái gần đây như hủy bỏ lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 hay đưa tàu chiến vào vùng nước 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 27/5.
"Là những quốc gia phát triển và đang phát triển lớn nhất trên thế giới, Trung-Mỹ vừa trong mối quan hệ hợp tác đồng thời vừa xuất hiện mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh tòan cầu hóa, lợi ích gia tăng, "trong anh có tôi, trong tôi có anh" ngày nay, đối diện với sự phát triển không ngừng của Trung Quốc, Mỹ cần tập trung vào phương diện hợp tác chứ không phải duy trì tư duy đối kháng mù quáng", báo Trung Quốc viết.
"Bạn tốt tới mời rượu ngon, lang sói tới giương súng săn", tờ này lớn tiếng khẳng định, Bắc Kinh sẽ tăng cường xây dựng chiến lược lãnh hải và không phận nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ động thái quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc - hành động đi ngược lại tinh thần xây dựng an ninh hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tướng Mattis cảnh báo, Washington sẽ cạnh tranh quyết liệt với Bắc Kinh trong những trường hợp cần thiết và Trung Nam Hải sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề hơn trong tương lai nếu tiếp tục quân sự hóa biển Đông.