Kể từ khi biết tới trí khôn của loài quạ, con người đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và thậm chí, tìm cách ứng dụng trí thông minh của quạ vào giải quyết vấn đề. Đã có địa phương huấn luyện được quạ nhặt rác, và đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, trí khôn của quạ không dừng lại tại đó.
Trong nghiên cứu mới được Current Biology thực hiện, hiểu biết của chúng ta về quạ tiếp tục được cải thiện. Các nhà khoa học công tác tại Đại học Tübingen (Đức) lần đầu tiên phát hiện ra khả năng ứng dụng lý luận thống kê. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp ta hiểu quạ hơn, mà đồng thời hé lộ quá trình tiến hóa của trí thông minh.
Khi “não chim” không còn là lời chê bai
Với “dân số” vượt ngưỡng 27 triệu, quạ xuất hiện khắp nơi trên đất Mỹ. Chúng mang một tiếng kêu rất đặc trưng, và âm thanh thay đổi theo nội dung con quạ muốn truyền tải; nói cách khác, quạ có ngôn ngữ riêng. Giống nhiều loài cùng họ Corvid khác, quạ có não lớn (so với kích cỡ cơ thể) và có thùy chẩm với hình thù rõ ràng (trên người, phần thùy chẩm được liên kết với khả năng thống kê và phân tích lý lẽ).
Với bộ não lớn, quạ có thể thực hiện những hành động được coi là “thông minh” trong thế giới động vật, như dùng cành khô để khều bọ trong vỏ cây. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu so sánh trí khôn của quạ với một đứa trẻ 7 tuổi.
Bên cạnh khả năng sử dụng công cụ, chim thuộc họ Corvid có thể làm toán, cụ thể là thực hiện phép cộng và phép trừ. “Trong thế giới tự nhiên, rất ít loài động vật có trí thông minh toán học (không chỉ là nhận diện số đơn thuần), những thứ như thạo số, hiểu được cách tính, suy nghĩ trừu tượng, hay biểu diễn ký hiệu”, giáo sư Kaeli Swift giải thích. Tuy không đóng góp công sức trong nghiên cứu trên, nhưng với kinh nghiệm nghiên cứu hành vi chim, bà nhận định: “Rất nhiều loài quạ đã thể hiện được các kỹ năng [toán học] trên, khiến chúng trở nên đặc biệt”.
Giáo sư Melissa Johnston công tác tại Đại học Tübingen hiểu rõ điều đó, và đã cùng một nhóm cộng sự nghiên cứu quạ suốt nhiều năm qua. “Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi thấy quạ thể hiện khả năng số học, khả năng suy nghĩ trừu tượng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định”, cô nói.
Trong nghiên cứu mới nhất, cô và các cộng sự thử nghiệm khả năng lý luận thống kê của quạ.
Một con quạ đang được chụp cắt lớp não. Hình ảnh thuộc về một thử nghiệm khác với nghiên cứu được nêu trong bài viết.
Chi tiết nghiên cứu mới về trí khôn trên quạ
“Rất nhiều bài tập xuất hiện trong một thử nghiệm dạng này, bởi lẽ chúng ta không thể hỏi chuyện quạ và mong chúng trả lời được”, giáo sư Johnston nhận định. “Vì thế, giống với cách hướng dẫn ai đó thực hiện những tác vụ phức tạp, chúng ta bắt đầu với phiên bản đơn giản trước và từng bước tăng độ phức tạp, khi kỹ năng của đối tượng được thử cao dần lên”.
Để thử nghiệm, giáo sư Johnston và cộng sự huấn luyện hai con quạ, hướng dẫn chúng mổ vào hình ảnh trên màn cảm ứng để nhận thức ăn. Bắt đầu từ thao tác đơn giản này, các nhà khoa học dần tăng độ khó của bài thử.
“Chúng tôi đưa thêm yếu tố xác suất vào, ví dụ như không phải cú mổ nào cũng đem lại phần thưởng”, bà Johnston nói. “Đây là lúc những con quạ luận ra mối liên kết giữa hình ảnh hiển thị trên màn hình và khả năng được nhận thức ăn”. Quạ nhanh chóng nhận ra mỗi hình ảnh tương ứng với những xác suất trả thưởng khác nhau.
Quạ biết dùng cành cây để khều thức ăn.
Trong thử nghiệm, hai con quạ phải chọn ra hai ảnh, mỗi ảnh tương ứng với một xác suất trả đồ ăn khác nhau. “Các con quạ phải học những khái niệm số trừu tượng (những số không phải số nguyên), liên đới chúng với những biểu tượng trừu tượng, và tổng hợp các thông tin lại để tối ưu số phần thưởng được nhận”, bà Johnston nói. Trong 10 ngày tập luyện với tất cả 5.000 lần thử, các nhà khoa học nhận thấy hai con quạ liên tục chọn những hình ảnh có tỷ lệ trả thưởng cao nhất, điều đó chứng tỏ chúng có suy luận thống kê.
Khái niệm suy luận thống kê dùng để chỉ khả năng mà tại đó, một cá thể dựa trên một số thông tin giới hạn để kết luận và hành động. Chúng ta thực hiện suy luận thống kê hàng ngày, đơn cử như việc tính toán xem quán cafe A hay B có thể có nhiều chỗ trống hơn; chắc hẳn, sẽ có một quán mà tại đó, tỷ lệ bạn có bàn ngồi cao hơn.
Tương tự, những con quạ nhớ những mối liên hệ giữa hình ảnh hiện trên màn hiển thị và xác suất trả thưởng của chúng, từ đó chúng có thể chọn được hình trả về nhiều đồ ăn hơn.
Tiếp tục thử thách những con quạ, Johnston và các cộng sự cho các con vật thông minh nghỉ ngơi một tháng trước khi thử nghiệm tiếp. Ngay cả sau 1 tháng không tập luyện, những con quạ vẫn nhớ hình ảnh nào trả nhiều thưởng nhất. Nhóm nghiên cứu tuyên bố: những con quạ có thể lý luận thống kê.
Quạ được huấn luyện để nhặt đầu lọc thuốc lá.
Trong thế giới động vật, quạ thông minh tới đâu
Nhờ trí khôn, quạ là một trong số ít loài vật thích ứng nhanh với kết quả của đô thị hóa. Những con vật thông minh này tận dụng các cấu trúc nhân tạo, như hầm đường bộ hay những công trình kín gió nói chung, làm nơi trú ẩn trong mùa đông giá rét. Hành vi của quạ khiến chúng và nhiều những con chim thuộc họ Corvid khác nằm trong danh sách sinh vật biết lợi dụng môi trường: chúng không chỉ hòa thuận với con người, mà còn phát triển thịnh vượng trong môi trường đô thị.
Theo nhà nghiên cứu Johnston, khả năng này cũng có thể tới từ việc quạ ứng dụng được lý luận thống kê. Bà cho rằng trong môi trường tự nhiên, quạ cũng ghi nhớ những khu vực dễ kiếm ăn để sau này quay lại.
Các nghiên cứu tiếp tục hé lộ bản chất thông minh của chim họ Corvid, và nhận thức chung của loài người cũng dần thay đổi. Quạ thường song hành với điềm gở và cái chết trong văn hóa đại chúng, nhưng cộng đồng đang dần hiểu và đánh giá đúng trí tuệ của loài chim bé nhỏ.
Theo Arstechnica