Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém

THANH LONG |

Ngoài chiếc đuôi kiếm đặc biệt, Stegouros elengassen còn kể lại một câu chuyện chưa từng được biết đến trước đây về quá trình phân tách lục địa và tiến hóa của các loài khủng long.

Nói đến khủng long, chúng ta thường sẽ tưởng tượng ra những sinh vật khổng lồ, ăn thịt và sống ở bắc bán cầu. Nhưng mới đây, các nhà cổ sinh vật học ở Chi Lê cho biết họ đã phát hiện một loài khủng long có kích thước nhỏ chỉ bằng một con chó Alaska, sống ở nam bán cầu, ăn cỏ và đặc biệt có một cái đuôi độc nhất vô nhị.

"Cái đuôi của con khủng long này trông giống như một thanh kiếm, nó rất phẳng. Trông nó giống như một thanh kiếm macuahuitl của người Aztec", Alex Vargas, người dẫn đầu cuộc khai quật đến từ Đại học Chi Lê cho biết.

"Tôi nghĩ những cuốn sách về động vật thời tiền sử dành cho trẻ em nên cập nhận ngay loài khủng long với cái đuôi kỳ lạ này. Trông nó thật điên rồ".

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 1.
Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 2.

Hóa thạch của loài khủng long đuôi kiếm được tìm thấy ở Chi Lê.

Loài khủng long mới được phát hiện tại một địa điểm khảo cổ ở miền nam Chi Lê. Vargas và nhóm của mình đã tìm thấy hóa thạch của nó được bảo quản khá nguyên vẹn, đặc biệt là phần thân dưới. Anh nghi ngờ con khủng long đã bị lún nửa người xuống cát và chết ở đó.

Nó có một cái đầu giống với đầu rùa, mỏ cong và cứng như mỏ vẹt. Chiều dài từ đầu tới chấm đuôi của hóa thạch là khoảng 2 mét. Nhưng chiều cao của con khủng long này chỉ đến khoảng bắp đùi con người.

Hóa thạch cho thấy loài khủng long này có tứ chi nhỏ, không có vuốt nhọn mà chỉ có vuốt tròn giống như móng guốc ở cả tứ chi. Xương chậu của nó rộng và giống như xương rồng. Thoạt đầu, những đặc điểm này đã khiến Vargas và các đồng nghiệp nhầm nó là một con Stegosaurus.

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 4.

Mới đầu, các nhà khảo cổ nhầm hóa thạch khủng long mới phát hiện với loài Stegouros này.

Cũng vì thế mà các nhà khoa học đặt tên nó là Stegouros elengassen với "stego" nghĩa là "mái nhà", "uros" nghĩa là "đuôi". Con khủng long này có nghĩa là "cái đuôi được che phủ". Còn elengassen đề cập đến một con thú bọc thép trong thần thoại của người Aónik'enk ở Chi Lê.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các phân tích DNA tới 5 lần, nhóm của Vargas nhận thấy loài khủng long này chỉ có họ hàng rất xa với loài Stegouros. Hơn nữa, hóa thạch của nó được tìm thấy có niên đại từ 72-75 triệu năm, nghĩa là trong Kỷ Phấn Trắng. Trong khi, tất cả những con Stegouros đã biến mất trước đó, trong sự kiện tuyệt chủng của Kỷ Jura-Tam Điệp.

Các phân tích kỹ hơn cho thấy hóa ra Stegouros elengassen nằm trong họ ankylosaur, một phân loài khủng long bọc giáp giống xe tăng sống ở nam bán cầu. Điều đó có nghĩa là loài khủng long này có họ hàng với Antarctopelta ở Nam Cực và Kunbarrasaurus ở Úc.

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 6.

Loài khủng long Antarctopelta ở lục địa Nam Cực cổ đại.

Đều là những loài khủng long ăn cỏ, nhưng đặc điểm nổi bật hơn cả của Stegouros elengassen nằm ở cái đuôi của nó. Loài khủng long này có một cái đuôi ngắn hơn 2 loài anh chị em, và cũng ngắn hơn tất cả các loài khủng long bọc giáp từng được biết tới.

Chiếc đuôi được tạo thành từ 7 cặp xương lớn và dẹt được ghép nối với nhau. Hai cặp đầu tiên ở gần cơ thể, và 5 cặp tiếp theo được hợp nhất với nhau như một vũ khí phẳng và mạnh mẽ, Vargas nói.

Trong xã hội của loài khủng long, việc chúng thường xuyên trang bị cho mình những bộ giáp và vũ khí theo người không phải là hiếm. Chúng ta từng thấy các loài khủng long đuôi búa, đuôi chùy và đuôi dùi cui.

Nhưng một loài khủng long đuôi kiếm là độc nhất vô nhị cho tới hiện tại.

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 8.
Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 9.

Đuôi của Stegouros elengassen được ví như thanh kiếm macuahuitl của thổ dân Aztec.

Vargas cho biết có lẽ cái đuôi này đã giúp Stegouros elengassen phòng thủ trước những kẻ săn mồi lớn. Cùng với một thân hình đầy gai nhọn, bộ giáp của loài khủng long này có thể biến chúng thành một đối thủ "khó nhai" đối với bất kỳ loài nào có ý định ăn thịt chúng.

Nhưng ngoài chiếc đuôi kiếm đặc biệt, Stegouros elengassen còn có thể kể một câu chuyện chưa từng được biết đến trước đây về quá trình phân tách lục địa và tiến hóa của các loài khủng long.

Theo đó, trước kỷ Jura, tất cả các lục địa trên Trái Đất hiện tại đều gộp lại với nhau và nối liền thành một siêu lục địa được gọi là Pangaea. Cho đến khoảng 201,3 triệu đến 145 triệu năm trước, siêu lục địa này mới bắt đầu phân tách:

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 10.

Các mảng lục địa trôi dạt xa xa nhau và trở thành các khu vực Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, Nam Cực và Australia ngày nay. Sự chia tách này cũng dẫn đến quá trình chia tách của các loài khủng long, mà ở cụ thể ở đây là phân loài ankylosaur.

Chúng bị tách thành các loài ankylosaur ở bắc bán cầu và ankylosaur ở nam bán cầu với những đặc điểm khác nhau. Bản thân các loài ankylosaur ở nam bán cầu cũng phát triển khác nhau trên mỗi lục địa, như Antarctopelta ở Nam Cực, Kunbarrasaurus ở Úc và bây giờ là Stegouros elengassen ở Nam Mỹ.

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 11.

Kunbarrasaurus từng sống ở Châu Úc cổ đại là một loài khủng long trong họ ankylosaur.

Với việc phát hiện được một hóa thạch gần như nguyên vẹn của Stegouros elengassen, loài khủng long này bây giờ đã trở thành "loài ankylosaur được nghiên cứu hoàn chỉnh đầu tiên ở nam bán cầu", Vargas nói.

Và thật thú vị khi được thấy một con khủng long có cái đuôi độc đáo như vậy. Trước đây chúng ta đã biết khủng long có hẳn một câu lạc bộ trưng bày những cái đuôi kỳ lạ, nhưng Stegouros elengassen rõ ràng là một loài mới, với một cái đuôi độc đáo sẽ thêm vào câu lạc bộ đó.

Lần đầu tiên phát hiện một loài khủng long có vũ khí chém - Ảnh 13.

Stegouros elengassen bây giờ sẽ đại diện cho nhánh khủng long ankylosaur nam bán cầu ở lục địa Nam Mỹ.

"Vả lại loài khủng long này lại được phát hiện ở miền nam Chi Lê, một khu vực chưa từng sinh ra những loại động vật như thế này", nhà sinh vật học Kristi Cury Rogers đến từ Đại học Macalester cho biết.

"Điều đó cho thấy chúng ta rõ ràng mới chỉ cào qua một phần nổi trong sự đa dạng sinh học của loài khủng long. Con Stegourus này nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta nhìn vào đúng nơi và đúng thời điểm, vẫn còn đó rất nhiều điều cần được khám phá".

Tham khảo Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại