Sau sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử các nhà khoa học chụp được hình ảnh chứng minh sự tồn tại của hố đen (hay còn gọi là lỗ đen), bức ảnh công bố hồi tháng 4/2019, các nhà thiên văn học tiếp tục có khám phá mới khiến giới nghiên cứu hoàn toàn bị mê hoặc.
Kể từ những nghiên cứu vượt tầm hiểu biết thời đại của Eisntein trong Thuyết Tương đối (1906), hố đen - được mệnh danh là "quái vật vũ trụ" - cho đến nay vẫn là một trong những hiện tượng kỳ dị nhất, bí ẩn nhất trong vũ trụ, tuy nhiên hố đen có tên V404 Cygni đưa sự bí ẩn lên một tầm cao mới.
Hành vi bất thường của "quái vật vũ trụ"
Tạp chí Nature dẫn lời các nhà khoa học cho hay, một lỗ đen cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng đã có hành vi bất thường. Mặc dù được phát hiện vào năm 1989, nhưng hố đen V404 Cygni lần đầu tiên thu hút sự chú ý của giới học giả toàn cầu vào năm 2015 khi dưới quan sát của kính viễn vọng, V404 Cygni lần đầu tiên tạo ra một đợt phun plasma rực rỡ kéo dài suốt 2 tuần.
Sở dĩ, hố đen được mệnh danh là "quái vật vũ trụ" là vì chúng có khả năng hút tất cả vật chất, năng lượng, ánh sáng vào vùng trường không gian cực mạnh; và không thứ gì có thể thoát ra khỏi hố đen sau khi bị nuốt vào.
Tuy nhiên, với hố đen V404 Cygni lại khác! Theo nhận định của giới khoa học, trong quá trình "ăn" vật liệu từ ngôi sao, một số vật liệu bị bắn ra khỏi hố đen V404 Cygni dưới dạng plasma cực mạnh.
Trong quá trình "ăn" vật liệu từ ngôi sao, một số vật liệu bị bắn ra khỏi hố đen V404 Cygni dưới dạng plasma cực mạnh. Ảnh: Futurism
Không chỉ vậy, cách thức di chuyển của hố đen V404 Cygni cũng khác biệt so với các hố đen mà giới khoa học từng quan sát được.
Và chính bí ẩn này đang mê hoặc giới khoa học tột độ!
Nhờ Einstein, khoa học giải mã V404 Cygni?
Ngày 29/4, trên Tạp chí Nature, Tiến sĩ James Miller-Jones và nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế (ICRAR) ở Úc, đã công bố những quan sát của họ về sự kiện năm 2015 và đưa ra lời giải thích cho hành vi kỳ quặc của hố đen V404 Cygni.
Tiến sĩ James Miller-Jones. Ảnh: Curtin University
Nhà khoa học James Miller-Jones giải thích: "Cũng như nhiều "quái vật vũ trụ" khác, hố đen V404 Cygni "ăn" ngôi sao gần nó, hút khí từ ngôi sao và hình thành một đĩa vật chất bao quanh chính nó (rồi di chuyển theo hình xoắn ốc).
Bản thân hố đen được bao quanh bởi một đĩa vật chất có thể rộng hơn 9 triệu km, gọi là đĩa bồi tụ. Và theo quan sát lâu nay, đĩa bồi tụ này quay cùng trục với chính lỗ đen, nhưng trường hợp của hố đen V404 Cygni thì không.
Điều khác biệt và bất thường ở V404 Cygni là chúng tôi cho rằng đĩa bồi tụ và hố đen chệch nhau. Điều này dường như đang khiến vật chất bên trong của đĩa bắn ra các tia plasma tứ phía khi nó "đảo" lắc lư.
Sự sai lệch đó có khả năng là do lực siêu tân tinh tạo ra hố đen ngay từ đầu (đọc chi tiết) kết hợp với một hiện tượng gọi là kéo hệ quy chiếu (frame-dragging) tạo ra kiểu xoay tròn như hiệu ứng lắc lư.
Theo dự đoán trong Thuyết Tương đối rộng của Einstein, khi các khối lượng - năng lượng phân bố tĩnh tại không giãn nở có ảnh hưởng đến không-thời gian một cách bất thường sẽ gây nên hiện tượng kéo hệ quy chiếu. Nói cách khác, hiện tượng kéo hệ quy chiếu xảy ra khi lực hấp dẫn cực mạnh của hố đen kéo theo không gian xung quanh nó khi nó quay tròn.
Hình ảnh hố đen V404 Cygni di chuyển lắc lư. Ảnh: Futurism
Đây là cơ chế duy nhất chúng ta có thể nghĩ ra cho đến lúc này để giải thích cho hành vi kỳ dị ở hố đen V404 Cygni.
"Chúng tôi bị mê hoặc bởi các hành vi khác biệt và kỳ lạ này của hố đen. Điều đó hoàn toàn bất ngờ. Khám phá thiên văn học này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về hố đen và sự hình thành của thiên hả. Nó cung cấp cho chúng ta manh mối để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Loài người đến Trái Đất bằng cách nào?" - Giáo sư Greg Sivakoff thuộc Đại học Alberta (Canada) nói trong một tuyên bố từ Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia.
Xem video:
Hành vi bất thường của hố đen V404 Cygni. Video: Futurism
Cách thức quan sát hành vi bất thường của hố đen V404 Cygni
Để quan sát được hành vi bất thường của hố đen V404 Cygni, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc ICRAR không thể sử dụng phương pháp thông thường để xem xét.
Thông thường, kính viễn vọng vô tuyến tạo ra một hình ảnh duy nhất sau vài giờ quan sát, tuy nhiên, những hố đen siêu lớn ở khoảng cách xa xôi này thay đổi nhanh đến mức trong một hình ảnh bốn giờ, chúng ta chỉ thấy một vệt mờ. Nó giống như cố chụp ảnh thác nước với tốc độ màn trập một giây.
Nhưng bằng cách kết hợp 103 hình ảnh của hố đen, mỗi đoạn dài khoảng 70 giây, tạo thành một bộ phim duy nhất, các nhà thiên văn học đã có thể quan sát những thay đổi nhanh chóng của hố đen này. Nhờ đó, họ biết phải làm gì nếu phát hiện ra một lỗ đen khác hoạt động như lạ lùng như V404 Cygni trong tương lai.
Trong hành trình khám phá vũ trụ của loài người, hố đen cho đến nay vẫn là một trong những bí ẩn vũ trụ to lớn, hấp dẫn đam mê khám phá, giải mã tột đỉnh của giới khoa học.
Hành trình ấy không hề đơn giản và được tỏ tường trong ngày một ngày hai, thế nhưng, với sự kiện chụp được hố đen hồi tháng 4/2019, giới khoa học lại có thêm động lực để đi tiếp trên hành trình khám phá không hề dễ dàng đó!
Bài viết sử dụng các nguồn: Futurism, Independent