Theo Sci-News, cụm thế giới vừa được chụp ảnh là một hệ sao đôi mang tên HIP 81208 và hai vật thể đi kèm khác, nằm cách chúng ta 486 năm ánh sáng, trong chòm sao Thiên Yết.
Đó là một hệ sao trẻ chỉ mới 17 triệu năm tuổi, với ngôi sao sáng nhất là HIP 81208A và một sao lùn đỏ HIP 81208C quay xung quanh ngôi sao chính.
Hệ sao độc đáo trong bức ảnh chụp trực tiếp, với C và Cb được phóng to - Ảnh: ESO
Hệ sao này quá trẻ và chưa có hành tinh , nhưng được biết đến với một "hành tinh từ hư không", hay còn gọi là "ngôi sao thất bại" mang tên HIP 81208B, nằm ngay bên cạnh ngôi sao A sáng nhất.
Nó là loại vật thể được gọi là "sao lùn nâu".
Trong quá trình chụp ảnh trực tiếp bằng thiết bị SPHERE được lắp đặt trên Kính viễn vọng Very Large của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) đặt tại Chile, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà thiên văn Antonie Chomez từ Đài quan sát Paris (Pháp) đã phát hiện ra một vật thể bí ẩn khác.
Nó được gọi là HIP 81208Cb, nằm cạnh ngôi sao lùn đỏ, có khối lượng khoảng 15 lần Sao Mộc, khiến nó nằm chênh vênh giữa ranh giới các "siêu Sao Mộc" và sao lùn nâu.
Theo bài công bố vừa được xuất bản trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, đây vừa là hệ thống bốn vật thể ở các cấp độ khác nhau được khám phá nhờ chụp ảnh trực tiếp, vừa cho thấy tiềm năng của công cụ SPHERE.
Phát hiện này sẽ mở đường cho một loạt các nghiên cứu về hệ thống thú vị nói trên, nhất là hai ngôi sao lùn nâu.
Sao lùn nâu là cách gọi một dạng vật thể nằm giữa hai khái niệm sao và hành tinh. Chúng quá nhỏ để duy trì phản ứng nhiệt hạch trong lõi như một ngôi sao, nhưng lại quá lớn so với các hành tinh.
Chúng sinh ra "từ hư không" như các ngôi sao, tức từ các đám mây khí bụi trong không gian giữa các vì sao, thay vì từ đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao khác. Tuy nhiên chúng cũng không có khả năng quy tụ một đĩa khí bụi quanh mình để rồi sinh ra hành tinh như các ngôi sao khác.
Vì vậy, sao lùn nâu còn được ví như một "ngôi sao thất bại" hoặc "hành tinh cao cấp", cô đơn và bí ẩn, luôn là hứng thú đặc biệt đối với giới thiên văn.