Cái giá cho sự khó đoán của Tổng thống Mỹ
Tổng thống Donald Trump rất tự hào về sự khó đoán của bản thân. Ông thích khoe về điều đó – không giống như ông Barack Obama, người không bao giờ tiết lộ cho thế giới biết kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, khi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên, cái giá mà Trump phải trả cho sự sự khó lường của mình trở nên rõ ràng. Rất nhiều đồng minh của Mỹ đang ở trong trạng thái hoang mang và báo động. Còn những đối trọng của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, lại đang tận dụng tình trạng hỗn loạn để thúc đẩy các lợi ích của họ.
Vấn đề là, trong khi thực hành "nghệ thuật đàm phán", Trump có xu hướng đối xử với các quốc gia khác như những đối thủ kinh doanh - những đối thủ có thể bị làm cho lúng túng và bất ổn.
Nhưng, ngoại giao không phải là kinh doanh. Sự khó lường trong ngoại giao có thể trở nên nguy hiểm, đặc biệt là trong mối quan hệ với những đồng minh – những nước cần được đảm bảo về sự nhất quán của Mỹ trong cách tiếp cận thế giới. Những đồng minh này đã xây dựng chiến lược toàn cầu của họ dựa trên sự tin tưởng vào sự ổn định và kiên định của Mỹ.
Khi Trump tỏ ý rằng những cam kết của Mỹ, từ đối với NATO cho đến Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có thể đều không còn đáng tin cậy, ông đã làm suy yếu niềm tin rằng nước Mỹ là một quốc gia đáng tin cậy.
Vì các liên minh do Mỹ dẫn đầu đang có ảnh hưởng quan trọng trong toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế, hậu quả của sự giảm sút lòng tin vào Mỹ chắc chắn là sự bất ổn toàn cầu.
Ba cấp độ bất ổn và khó đoán của Trump
Việc Trump có những tuyên bố mang tính trấn an các đồng minh ở Ả Rập Saudi hay Israel và chắc chắn cả Brussels vào tuần này có lẽ sẽ không thể xóa đi sự bất ổn, không chắc chắn mà ông đã tạo ra.
Trump trò chuyện với Hoàng tử Ả Rập Saudi trong chuyến thăm, ngày 21/5. Ảnh: Reuters
Thực tế cho thấy, thế giới đang phải đối phó với ba mức độ bất ổn của Trump. Thứ nhất là những bất ổn liên quan tới các chính sách của Tổng thống Mỹ. Thứ hai là sự bất ổn trong tính khí của Trump. Và thứ ba là về sự lâu dài, vững chắc của vị trí Tổng thống.
Với những vụ bê bối đang diễn ra ở Washington, người ta bắt đầu đặt ra các câu hỏi mang tính pháp lý về nhiệm kỳ của Trump.
Về mặt chính sách, ông Trump đã có những thay đổi chóng mặt. Trong chuyến công du tới Ả Rập Saudi, Trump đã gọi Hồi giáo là "một trong những tín ngưỡng lớn của thế giới", dù trước đó ông từng kêu gọi cấm tất cả những người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ.
Trump đã tuyên bố NATO "lỗi thời" rồi sau đó lại nói nó không còn lỗi thời nữa. Trump đã gọi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và sau đó lại đổi ý. Trump lên án những can thiệp nhân đạo ở Trung Đông và sau đó phóng tên lửa vào Syria để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học.
Trump từng ca ngợi Brexit và sau đó lại ca ngợi EU. Còn mối quan hệ của Trump với Nga vẫn là một điều bí ẩn được chứa đựng trong một câu đố.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng bị cáo buộc không có chính sách ổn định đối với các đồng minh. Và khi Trump bắt đầu công du nước ngoài với điểm đến là Ả Rập Saudi và Israel, ông đang tiếp cận hai nước có sự "khó chịu" đặc biệt đối với chính quyền Obama.
Nhưng dù Ả Rập Saudi và Israel là hai trong số không nhiều những nước vui mừng vì Trump đã thắng cử, họ vẫn có những lý do để phàn nàn về các tín hiệu có phần "lẫn lộn" từ Nhà Trắng.
Trong khi tranh cử, Trump đã cam kết xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran – một thỏa thuận mà Ả Rập Saudi phản đối mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất chấp những từ ngữ chỉ trích nặng nề Trump dành cho Iran tại Riyadh, ông vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đó.
Trump từng hứa sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, nhưng có vẻ giờ đây ông đã thay đổi ý định.
Đối với cả Ả Rập Saudi và Israel, dù Trump xử lý khá trơn tru việc xóa mờ những từ ngữ tranh cử thiếu khôn ngoan, nhưng chưa thay đổi được ấn tượng rằng, cả ở trong nước và nước ngoài, những lời nói của Tổng thống Mỹ chưa hẳn đáng tin cậy.
Về mặt tính khí, con người của Trump, các lo ngại gia tăng với mỗi lần ông đăng tải phát ngôn nào đó lên Twitter. Tất cả các đồng minh của Mỹ đều sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi quyết định liệu họ có thể tin tưởng dựa vào các cam kết của chính quyền Trump hay không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Mỹ đổi ý? Nếu nhiệm kỳ tổng thống "có vấn đề" thì các đồng minh sẽ phải trả giá nào cho việc quá gần gũi với chính quyền Trump?
Trump trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ tới thăm bức tường phía Tây ở Đông Jerusalem - một địa danh thiêng liêng với người Do Thái. Ảnh: Reuters
Sự trỗi dậy từ những đối thủ của Mỹ
Khi các câu hỏi về vai trò quốc tế của Mỹ ở thời đại Trump chưa được giải đáp, thì một cách rất tự nhiên, các nước lớn khác như Nga hay Trung Quốc đã tận dụng triệt để tình hình này.
Trong khi phương Tây mất tập trung, Nga đã củng cố vị trí của mình ở vùng Balkan và Trung Đông.
Người ta cũng có thể thấy rõ sự đối lập giữa một Washington hỗn loạn và một Bắc Kinh rất tự tin, chắc chắn. Trong khi Trump và chính quyền của mình đang vướng phải những lùm xùm sau vụ sa thải giám đốc FBI James Comey thì ông Tập Cận Bình đang làm chủ nhà trong một hội nghị có nhiều vị khách quốc tế nhất kể từ khi Bắc Kinh đăng cai Olympic 2008.
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc với dự kiến mức đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khắp Á, Âu đã thu hút đại biểu từ hơn 100 quốc gia tới Bắc Kinh.
Chỉ cần một nửa số dự án đó được thực thi thì cũng đã đủ để tạo ra một mạng lưới có ảnh hưởng lớn về kinh tế và địa chính trị, và tất nhiên Trung Quốc là trung tâm của mạng lưới đó.
Sự giàu có và tầm nhìn xa của Trung Quốc, cộng với niềm tin vào tương lai, sẽ thúc đẩy một "thế kỷ châu Á". Ngược lại, nhiệm kỳ của "ông Trump khó đoán" có nguy cơ trở thành biểu tượng cho sự thoái trào của phương Tây.