Theo VICE, việc đi làm tới 60 giờ/tuần ở Nhật Bản là chuyện rất thường gặp. Người Nhật vốn nổi tiếng với đức tính chăm chỉ, cần cù, nhưng càng được phóng đại từ sau Thế chiến với các sáng kiến của cố Thủ tướng Yoshida Shigeru. Thời điểm sau chiến tranh, ông đã khuyến khích các công ty Nhật Bản làm nhiều giờ để thúc đẩy nền kinh tế và góp phần tạo nên kỳ tích châu Á sau này.
Tuy nhiên, hiện tượng làm việc quá sức lại trở nên quá phổ biến ở Nhật đến mức tác động tiêu cực tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tình trạng các ca suy tim và tự tử tăng cao khiến nhiều người lo ngại và chính phủ bắt đầu có các chính sách khuyến khích người dân dành thêm thời gian nghỉ ngơi.
Dù hiện trạng là vậy, bạn không cần phải nhìn đâu xa để thấy tác động của việc làm quá sức đối với nhân viên công sở Nhật Bản. Như nhiếp ảnh gia Pawel Jaszczuk đã nhận thấy, chỉ cần dạo bước vài giờ trên đường phố là bạn có thể chứng kiến tận mắt.
Xuất thân từ Ba Lan, Pawel sống ở Tokyo trong nhiều năm, chụp ảnh những người lao động mệt mỏi ngủ gục trên đường phố. Trò chuyện với trang VICE, anh chia sẻ thông điệp của mình đằng sau những bức ảnh và phản ứng của người dân Nhật với chúng.
Dưới đây là phần phỏng vấn của VICE với Pavel.
VICE : Chào Pavel, tôi đang tự hỏi có bao nhiêu người trong số này ngủ vì mệt và bao nhiêu người ngủ vì say. Làm thế nào anh biết mình đang chụp gì?
Pawel Jaszczuk : Tôi không bao giờ chắc chắn 100%. Một số người trong số họ có lẽ đã uống một vài ly, nhưng hầu hết trong số họ đều mệt mỏi đến mức chìm vào giấc ngủ.
Anh nghĩ những người này sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy hình ảnh họ đang bất tỉnh trên mặt đất?
Tôi luôn tự hỏi bản thân mình như vậy, và thành thật mà nói, tôi không biết. Ý tưởng của tôi không phải là để bất kính với bất cứ ai. Tôi muốn họ biết rằng tôi đang chiến đấu cùng họ. Thật tốt khi có khoảng cách giữa thời điểm chụp ảnh và thời điểm chúng được xuất bản. Đó có lẽ là thời điểm thích hợp - một số người trong số họ có thể đã thay đổi hoặc đã chuyển đi nơi khác.
Những bức ảnh này được chụp khi nào?
Tôi đã chụp những bức ảnh trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, nhưng chúng tôi xuất bản cuốn sách vào năm 2018. Nếu bạn đến Nhật Bản, bạn rất thường thấy những doanh nhân ngủ trên đường phố, thường là gần các ga tàu chính.
Nó không có gì mới. Nhưng tôi muốn dự án của mình trở nên đặc biệt, vì vậy tôi đã mất khoảng 2 năm để tìm ra những "người mẫu" của mình. Tôi đạp xe xung quanh hầu như mỗi đêm. Những ngày tốt nhất là Thứ Năm và Thứ Bảy. Tôi đã xem xét rất kỹ lưỡng, vì tôi muốn những người làm công ăn lương đẹp đẽ, ưa nhìn trong những tư thế thú vị.
Tại sao anh lại chọn chụp và (xuất bản) định dạng các bức ảnh cho giống với một bài báo thời trang, với tiêu đề "Thời trang cao cấp"?
Tôi muốn khiến người xem rung động. Tôi muốn khuyến khích họ suy nghĩ nhiều hơn về những gì đang diễn ra trong xã hội. Mặc dù người làm công ăn lương có liên kết rất chặt chẽ với Tokyo, những hình ảnh này tiết lộ nhiều hơn về cách chúng ta đang được các tập đoàn và hệ thống tư bản "sử dụng" hàng ngày. Tôi muốn mọi người xem những bức ảnh và nghĩ, chúng ta có thực sự muốn bị như thế này không? Chúng ta chỉ đang bị sử dụng?
Anh có nhận thấy sự khác biệt giữa cách người xem phương Tây phản ứng với loạt ảnh này so với Nhật Bản không?
Nhìn chung, tôi đã nhận được phản hồi rất tích cực ở Nhật Bản và tôi nghĩ rằng thông điệp đã được đón nhận. Những bức ảnh của tôi chỉ là một ví dụ cho thấy mọi thứ ở Nhật Bản như thế nào. Trong văn hóa Nhật Bản, bạn chẳng là ai cả. Bạn có thể làm việc chăm chỉ và ngày hôm sau bạn sẽ bị sa thải. Hầu như bạn sẽ phải đi ăn ngoài với sếp hoặc đồng nghiệp vào ban đêm.
Sau đó, vào ngày hôm sau, bạn trở lại làm việc và khoảng cách giữa mọi người lại như vậy. Họ cư xử giống như máy móc hơn là con người. Khán giả Nhật Bản của tôi không hề bị xúc phạm - họ hiểu những gì tôi đang làm và họ ủng hộ tôi. Ví dụ, người vợ Nhật của tôi, ngay cả khi cô ấy nhìn thấy những người này trên đường phố hàng ngày, cô ấy thực sự không bao giờ nghĩ nhiều về điều đó. Nó chỉ ở đó và là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Đó là một quan điểm khác, so với những khán giả phương Tây, những người cảm thấy tình huống này đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Ở Nhật, việc ngủ gật trên đường phố là điều được xã hội chấp nhận. Trộm cướp là rất hiếm, và việc này rất an toàn. Ở bất cứ nơi nào khác, ngủ trên đường phố sẽ là điều không thể chấp nhận được và nguy hiểm nhưng Tokyo là một "hành tinh" khác. Các quy tắc hoàn toàn nằm ngoài thế giới này.
Trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã thực hiện các quy định về giờ làm việc, bao gồm cả "Luật Cải cách Phong cách Làm việc". Anh có nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong văn hóa kể từ đó không?
Rất nhiều thay đổi lớn vẫn chưa có hiệu lực, nhưng điều tốt là họ muốn làm điều gì đó. Ít nhất mọi người đang bắt đầu nói về nó.
Anh nghĩ điều gì đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường làm việc căng thẳng, đặc biệt của văn hóa Nhật Bản?
Từ những gì tôi thu thập được qua quá trình nghiên cứu và sống ở đó, nó bắt nguồn từ lịch sử. Sau khi (Thế chiến kết thúc) và trong vòng chưa đầy 20 năm, Nhật đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Và tôi nghĩ rằng văn hóa làm việc chăm chỉ này đã bị mắc kẹt (từ lúc đó).
Cũng theo Pavel, lý do khiến người Nhật không thấy xúc phạm về việc chụp ảnh của anh là vì điều này đã trở nên bình thường trong văn hóa của họ. Nếu có bất kỳ bức xúc nào với những bức ảnh này, họ sẽ không để yên.
Nguồn: VICE