Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) lo ngại việc lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực và khó thu hút người tài vào khu vực công. Những năm gần đây, nhiều người giỏi và sinh viên mới ra trường không thiết tha tham gia các cuộc thi tuyển công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
"Nhiều người đang lầm tưởng, muốn thi công chức, viên chức phải có tiền, có quan hệ làm giảm sức hút nguồn nhân lực, nhất là người tài giỏi vào khu vực công. Điều này phần nào làm giảm chất lượng thực hiện công vụ" , đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, bà Thái cho rằng, việc lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công tồn tại nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và tìm cách giải quyết sớm.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái.
Đại biểu đoàn Lạng Sơn phân tích thêm, tại Báo cáo giám sát số 330 nêu hạn chế, yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cách thức tổ chức thực hiện mang tính chủ quan dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị rất lớn...
Trên thực tế, những vụ án vi phạm pháp luật gần đây liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản công từ Trung ương đến cơ sở ở một số các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo đánh giá của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hầu hết đều xuất phát từ con người do người đứng đầu và người tham mưu chưa chú trọng, quyết liệt gây lãng phí, thất thoát nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng đến đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Ngay tại kỳ họp này, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu phân tích rất sâu sắc về nguồn nhân lực và sử dụng lao động trong khu công. Về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, hiện nay có ý kiến cho rằng, số lao động trong khu vực công hay khu vực tư thì cũng đều cống hiến sức lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, khu vực công là nơi xây dựng chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng nơi điều hành và quản trị đất nước, sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
"Vì vậy cần đội ngũ cán bộ giỏi, có năng lực và đạo đức nghề nghiệp phục vụ Nhân dân, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội. Chúng ta cần đảm bảo mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận các dịch vụ, tiếp cận với điều kiện phát triển kinh tế xã hội công bằng như nhau. Do vậy, việc giữ chân người tài ở khu vực công hết sức cần thiết", vị này chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng trên, nữ đại biểu đoàn Lạng Sơn đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, đại biểu Thái cho rằng cần coi trọng trách nhiệm và ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người lao động vì mục tiêu chung của đơn vị, Nhà nước.
Đại biểu Thái nhấn mạnh cần nêu cao hơn nữa ý thức làm việc trong sáng, không vụ lợi của các cán bộ, công chức, viên chức mới có thể thực hiện tốt được công tác chống lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, bà Thái cho rằng cần đổi mới quy định thi tuyển công chức, viên chức minh bạch, công bằng ơn ở mọi cấp mọi ngành. Đồng thời xây dựng mới quy chế tuyển lãnh đạo, chuyên viên dựa trên năng lực, phẩm chất thực sự.
Thứ ba, vị đại biểu đoàn Lạng Sơn cho rằng cần chiến lược tổng thể về phát triển nhân lực, người tài trong khu vực công, tập trung vào kỹ năng quản lý và chuyên môn sâu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm hơn đến phòng, chống lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực.
Theo đại biểu Mai Hoa, hiện nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển.
Công tác tinh giản biên chế còn chưa đạt được hiệu lực thực tế. Chủ trương tinh giản là đúng, tuy nhiên hiện nay, việc tinh giản được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị, cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách thu hút sử dụng nhân tài trong bộ máy Nhà nước nói chung, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia. Cụ thể, đại biểu cho rằng, cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài.
"Trong cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc", bà Hoa nhấn mạnh.