Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể?

NHƯ LOAN |

Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể là thắc mắc của nhiều người.

Bia, rượu vang, rượu mạnh là những đồ uống chứa cồn ethanol ở các nồng độ khác nhau. Bia có khoảng 5% cồn, rượu vang khoảng 9-16% cồn và rượu mạnh có thể lên 40-45% cồn. Tác dụng của bia rượu thường có hại cho sức khoẻ hơn là có lợi.

Cồn trong rượu bia tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc), hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị.

Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể?

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, ai cũng biết bia rượu sẽ gây hại sức khỏe nếu quá lạm dụng chúng. Tuy nhiên, sử dụng liều lượng nhỏ thì lại có tác dụng kích thích khai vị, giúp thư giãn và ở trạng thái hưng phấn.

Về liều lượng, bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30ml rượu whisky.

Khi uống cần hạn chế đối với nam ≤ 2 đơn vị cồn/ngày, nữ ≤ 1 đơn vị cồn/ngày. Bạn cần uống từ từ, chậm rãi. Rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.

Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể? - Ảnh 1.

Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể? (Ảnh minh hoạ)

Bạn không nên uống rượu lúc đói vì dễ làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.

Trước khi uống rượu, bạn nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu.

Bạn hãy ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

Bạn không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga), rượu lẫn bia. Điều này sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

Không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Sử dụng caffeine để “tỉnh táo” sau khi uống rượu là một sai lầm.

Tác động của rượu tới cơ thể

Rượu bia vào cơ thể qua đường tiêu hóa từ miệng đến dạ dày, hệ thống tuần hoàn và các bộ phận trong cơ thể như não, thận, phổi và gan.

Khi rượu tới miệng, nồng độ cồn cao là chất kích ứng niêm mạc trong khoang miệng làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Tác động tới dạ dày: Các phân tử rượu nhỏ bé ngấm qua niêm mạc dạ dày, khi dạ dày trống rỗng (uống khi đói), rượu đi thẳng vào máu. Nếu dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn protein, thì tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại.

Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Hệ tuần hoàn: Khi vào máu, rượu được vận chuyển khắp cơ thể, làm giãn mạch máu, đưa lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt, chân tay), cảm giác nóng, hạ huyết áp.

Não: Khi đến não, rượu tác động đến hệ thần kinh, khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự tác động đó phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu mà đưa đến các trạng thái khác nhau: hưng phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi. Đồng thời rượu còn là chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ.

Thận: Rượu bia như một loại thuốc lợi tiểu, làm tăng sự hình thành nước tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn gây mất nước và khát.

Gan: Khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da, còn lại 90%-95% được chuyển đến gan để “xử lý”. Ở gan, rượu được oxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho thắc mắc “Làm thế nào để uống rượu mà không gây hại cho cơ thể” rồi phải không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại