Trẻ có thể gặp rất nhiều nguy hiểm như bạo lực gia đình, bạo lực khác ngoài xã hội hoặc từ môi trường tự nhiên. Đối với cha mẹ, không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ về cách tự bảo vệ bản thân mình.
Ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Fudubank (chuyên về kỹ năng, hướng nghiệp ở TP.HCM), cho biết, người lớn, gia đình, bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng bạo lực với trẻ là hành động sai trái và là tội ác. Những người có hành vi bạo lực với trẻ thường đổ lỗi cho trẻ phải chịu trách nhiệm, xấu hổ hoặc có tội với những gì xảy ra.
Trẻ có thể gặp các nạn bạo lực khác ngoài xã hội như bạo lực bằng hành vi, bạo lực bằng lời nói, bỏ rơi trẻ... (Ảnh minh họa)
Theo ông Thanh, giáo dục trẻ không bao giờ được tin vào lời họ nếu họ đe dọa rằng sẽ có điều tồi tệ hơn xảy ra nếu trẻ nói với một ai đó rằng mình bị bạo lực. Luôn cho trẻ tin tưởng rằng sẽ có người lắng nghe và tìm cách giúp đỡ mình do đó khi bị bạo lực trẻ nên chia sẻ.
Trẻ cần nói việc mình bị bạo lực với ai đó mà mình tin tưởng, điều đó sẽ tốt hơn, làm cho trẻ an toàn hơn như hàng xóm, cô giáo, bạn bè hoặc những thành viên khác trong gia đình. Đồng thời, trẻ cần được dạy cách giải thích mình đã bị bạo lực như thế nào để mọi người hiểu tình trạng, hoàn cảnh của trẻ để có thể giúp đỡ được.
"Cha mẹ cho trẻ tham gia các lớp, khóa học đào tạo về các kỹ năng như tự sơ cứu vết thương, kĩ năng ứng phó với thú dữ, kĩ năng bày tỏ; cung cấp cho trẻ những đơn vị, những người bé có thể tin tưởng để chia sẻ vấn đề đang gặp nguy hiểm ", ông Thanh cho hay.
Một số lưu ý giúp trẻ tự cứu mình khi gặp nguy hiểm:
Giữ bình tĩnh
Vào thời điểm quan trọng, nhiều trẻ sẽ chỉ khóc lớn và sợ hãi đến mức không thể nói rõ ràng, điều này làm giảm đáng kể khả năng được giải cứu. Giữ bình tĩnh luôn là cách giải quyết đầu tiên khi nguy hiểm ập đến. Ví dụ như trong lớp xảy ra hỏa hoạn, lúc này trẻ không hoảng sợ mà lắng nghe sự sắp xếp của giáo viên và thoát ra khỏi lớp một cách trật tự.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp nạn bạo lực gia đình như đánh đập, miệt thị, phân biệt đối xử, không yêu thương…
Cha mẹ và nhà trường thường xuyên tiến hành diễn tập cho trẻ khi nguy hiểm sắp đến để giúp trẻ nâng cao nhận thức về nguy hiểm và cách thoát thân an toàn.
Phân vùng an toàn
Nếu gặp nguy cơ bị cướp, trẻ có thể sử dụng cửa ra vào, cửa sổ và bức tường xung quanh để cách ly mình khỏi nhóm trộm cướp, sau đó đi tìm sự giúp đỡ của người lớn.
Phương pháp phân vùng an toàn đặc biệt rèn luyện khả năng phản ứng của trẻ, phân tích chỉ số nguy hiểm trong thời gian ngắn, sau đó tìm kiếm mọi thứ có thể sử dụng xung quanh để giúp trẻ trốn thoát càng sớm càng tốt.
Hãy yêu cầu giúp đỡ, hét to khi gặp nguy hiểm
Khi gặp nguy hiểm, trẻ sẽ nghĩ ngay đến việc nhờ giúp đỡ. Trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ, đứa trẻ có thể vừa chạy vừa la hét.
Hãy nói cho trẻ biết rằng có thể hét lên thật to khi cần thiết, trường hợp khi có người lạ dắt trẻ đi thì chúng phải biết mình phải làm gì? Ví dụ như hét thật to câu như “Cháu không biết cô chú, bỏ tay cháu ra…”, phản ứng mạnh để gây chú ý từ những người xung quanh từ đó họ sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp đúng lúc.
Kiến thức sơ cứu cơ bản
Đứa trẻ có thể bình tĩnh đối mặt với nguy hiểm nhất định phải có tâm lý tốt. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải rèn luyện lòng can đảm và dũng khí của con, tiến hành nhiều cuộc diễn tập nguy hiểm hơn, đồng thời truyền bá kiến thức tự cấp cứu khi gặp nguy hiểm cho trẻ, để trẻ hiểu rõ từng mối nguy hiểm là gì và cách đối phó tốt nhất. Bằng cách này, bất kể đứa trẻ gặp phải nguy hiểm gì, nó đều biết rõ và có thể tự nhiên giải quyết kịp thời.
Có rất nhiều cách để các bậc cha mẹ có thể làm để giáo dục con cái về sự an toàn. Với những lời khuyên trên, hy vọng các bậc cha mẹ có thể giúp con mình hiểu được một loạt các nguy hiểm và lên kế hoạch phù hợp.