Qua những chia sẻ chân thành nhưng không thiếu phần hài hước, nhạc sĩ nổi tiếng cho biết ông mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4, đã trải qua 30 lần xạ trị. Hiện tại, sức khỏe của ông hồi phục tốt và sẽ tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 50 năm hoạt động nghệ thuật vào tháng 5 tại Hà Nội.
Ung thư vòm họng có triệu chứng như thế nào?
Ung thư vòm họng là ung thư hiếm gặp, xảy ra ở vòm họng, phần nằm phía sau mũi và phía trên cổ họng.
Thông thường, rất khó để nhận biết các dấu hiệu của ung thư vòm họng vì các triệu chứng của bệnh khá giống với các bệnh lý ít nghiêm trọng khác phần cổ họng. Nhiều người bị ung thư vòm họng không có bất cứ triệu chứng nào cho tới khi ung thư chuyển sang đoạn tiến triển.
Ảnh minh họa ung thư vòm họng
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS), các triệu chứng của ung thư vòm họng có thể gồm:
- Xuất hiện khối u ở cổ, khối u không biến mất sau 3 tuần
- Giảm thính lực, thường ở 1 bên tai
- Ù tai, cảm giác nghe thấy âm thanh phát ra từ bên trong cơ thể chứ không phải từ bên ngoài
- Nghẹt mũi, thường bị nghẹt 1 bên
- Chảy máu cam
- Nhức đầu
- Nhìn đôi
- Tê ở phần dưới cùng của khuôn mặt
- Khó nuốt
- Nói khàn
- Giảm cân ngoài ý muốn
Nếu gặp một trong các triệu chứng này, đặc biệt khi các triệu chứng không cải thiện sau 3 tuần, hãy tới các phòng khám chuyên khoa để được thăm khám.
Ung thư vòm họng có nguyên nhân từ đâu?
Theo NHS, nguyên nhân chính xác của ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển căn bệnh ung thư này, đó là:
- Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) - một loại virus gây ra bệnh sốt tuyến (hay còn gọi là viêm họng bạch cầu, bệnh Filatov, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm trùng)
- Thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ hoặc hóa chất formaldehyde
- Nghiện rượu hoặc thuốc lá
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
Virus HPV cũng được cho là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vòm họng.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. (Ảnh minh họa)
NHS cũng cho biết số bệnh nhân mắc ung thư vòm họng ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới và độ tuổi trung bình chẩn đoán bệnh là khoảng 50 tuổi.
Theo Mayo Clinic, hầu hết những người bị ung thư vòm họng đều có di căn vùng. Điều đó có nghĩa là các tế bào ung thư từ khối u ban đầu đã di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở cổ. Các tế bào ung thư cũng có thể di căn xa sang các bộ phận khác của cơ thể chẳng hạn như xương, phổi, gan.
Ung thư vòm họng được điều trị bằng cách nào?
Hiệu quả của quá trình điều trị ung thư vòm họng phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể và giai đoạn bệnh ở thời điểm chẩn đoán.
Ung thư vòm họng gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. (Ảnh: Getty)
Có 2 phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư vòm họng đó là xạ trị và hóa trị. Xạ trị là dùng các tia bức xạ và hóa trị là sử dụng thuốc, mục đích chung là để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Trong ung thư vòm họng, phẫu thuật thường không được sử dụng để điều trị bệnh vì bác sĩ khó có thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng.
Ở những bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá, việc ngừng hút thuốc là cần thiết để tránh làm tăng nguy cơ tái phát ung thư cũng như các tác dụng phụ khi điều trị.
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư vòm họng được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này có thể được sử dụng riêng để điều trị ung thư ở giai đoạn rất sớm hoặc kết hợp với hóa trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn sau. Hóa trị và xạ trị có thể chữa khỏi ung thư vòm họng nếu khối u chưa lan ra ngoài vùng đầu cổ.
(Nguồn: NHS, Mayo Clinic)