Cuối năm 2017, bức tranh Salvator Mundi của danh họa Leonardo da Vinci đã được bán với giá 450,3 triệu đô la.
Đối với một đứa trẻ ngoài giá thú ở thế kỷ 15 như ông, đó thực sự là một thành tựu lớn. Rất nhiều người còn cho rằng, đó vẫn chưa phải sự đóng góp vĩ đại nhất của ông đối với văn minh nhân loại.
Trong phong trào Phục hưng, ít người nổi bật được như ông. Leonardo de Vinci là hiện thân của một nghệ sĩ, và cũng là một nhà phát minh tài năng đóng góp cho nhân loại những sản phẩm từ kiến trúc, âm nhạc tới giải phẫu học và hình học.
Thật khó có từ nào để mô tả về danh họa này xứng đáng hơn là từ thiên tài.
Thật khó để đánh giá về một người sống cách ngày nay vài thế kỷ nhưng có vẻ như tài năng của Leonardo da Vinci là thiên phú, tác giả Walter Isaacson giả định trong cuốn sách của mình. Ông tưởng tượng, học hỏi và thực hiện mọi việc từ điều cơ bản nhất cho tới phức tạp nhất.
Mặc dù đôi khi, những hành động, phương pháp của Leonardo không thể giải thích, nhưng nó cho thấy cách mà ông nuôi dưỡng sự tò mò, ưa khám phá trong cuộc sống.
1. Quan sát mọi việc mà không dựa vào khuôn mẫu nào cả
Họa phẩm "Bữa tiệc cuối cùng" được Da Vinci vẽ trong 3 năm (1495 – 1498). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện danh họa đã "vẽ" một bản nhạc dài 40 giây với các nốt là bàn tay của Chúa, tông đồ và các lát bánh mì.
Nếu bạn nhìn qua ống kính lịch sử và nghiên cứu cuộc đời của nhiều nhà phát minh, nhà kiến trúc, sáng tạo sẽ có một chủ đề chung phổ biến hơn bạn tưởng.
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp, nhưng khá hiển nhiên rằng các tác phẩm quan trọng nhất đóng góp vào dòng chảy văn hoa đều liên quan đến sự giao thoa của khoa học và nghệ thuật.
Những tác phẩm mà chúng ta thấy là sự kỳ diệu của sự sáng tạo và sự khéo léo của con người, sự pha trộn, kết hợp giữa các lĩnh vực, quan điểm và con người khác nhau. Khi nhìn vào những cống hiến của Leonard da Vinci, chúng ta cũng dễ nhận thấy ông cũng khai thác từ sự giao thoa như thế.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt là Leonardo không bao giờ đó là một nét riêng độc đáo. Hầu như có rất ít sự tách biệt giữa các lĩnh vực trong sự quan sát của danh họa thiên tài. Ông chỉ đơn giản là quan sát, ghi chú và kết hợp những thứ ông thấy phù hợp.
Ông không suy nghĩ về khoa học vào một ngày và tìm hiểu về nghệ thuật vào một ngày khác. Đối với ông, khoa học và nghệ thuật là tương tự nhau. Chúng tồn tại song song và giao thoa với nhau, không có chuyện hiểu cái này mà không hiểu cái kia.
Thế giới rất bao la, để thỏa mãn trí tò mò của mình bạn phải quan sát. Nếu muốn nhìn được bản chất thực của nó, bạn phải quan sát mà không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu hay định kiến nào.
2. Đặt câu hỏi cho những thứ thông thường, hiển nhiên
Hiện nay, còn khoảng 7.200 trang ghi chú của danh họa thiên tài còn tồn tại. Đó mới chỉ là 1/4 cuốn sổ ghi chép của Leonard da Vinci.
Đó là ghi chép về thời gian ông sống ở Florence và Milan, đi sâu vào cảm xúc về sự hoài nghi, bất an và các mối quan hệ của danh họa với bạn bè và những người cộng tác.
Những ghi chép cho thấy, những vấn đề mà Leonardo da Vinci quan tâm không phải những điều to lớn, quan trọng mà là những điều tầm thường trong cuộc sống. Ông bị thu hút bởi mọi thứ trong cuộc sống.
"Tôi lang thang khắp đất nước để tìm kiếm câu trả lời cho mọi thứ tôi không hiểu. Tại sao vỏ sò lại xuất hiện trên đỉnh núi với dấu vết của san hô - những thứ thuộc về biển cả?
Tại sao tiếng sấm lại kéo dài hơn thời gian nó hình thành và tại sao chúng ta lại nhìn thấy tia chớp trước khi nghe thấy tiếng sấm?
Tại sao một hòn đá rơi xuống mặt nước lại tạo ra các vòng tròn và tại sao chim lại sống được trên không? Những câu hỏi, những điều khác thường cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi suốt cuộc đời", Leonard da Vinci ghi chú.
Với nhiều người, những kiểu câu hỏi như vậy có vẻ thiếu hấp dẫn và chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ. Nhưng ít người biết rằng, những điều có vẻ tầm thường và dễ bị bỏ qua đó lại chứa đựng kho báu chưa được khai phá.
Trong cuộc sống, rất ít những thứ thú vị phô bày ngay trên bề nổi, chỉ khi được khai quật, khám phá sâu xa, thì những điều có giá trị mới được hé lộ.
Những câu hỏi thường ngày được ghi chép có thể chẳng góp phần gì vào những tác phẩm của danh họa Leonardo nhưng chúng làm nên sự đa dạng trong cách ông nhìn nhận thế giới. Sự đa dạng đó làm nên phong cách của từng bức tranh, tác phẩm để đời của ông.
3. Trải nghiệm cuộc sống như đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật
Không ít người trên thế giới chịu tác động của chủ nghĩa hoàn hảo. Nó khiến người ta e ngại, nghi ngờ và... ngừng sáng tạo. Nó khiến người ta tê liệt, không thể thực hiện những thứ ngoài quy trình "hoàn hảo" để tạo ra sự khác biệt.
Thực tế, một số lượng lớn các tác phẩm của Leonardo da Vinci còn bỏ dở. Ngay cả những tác phẩm đã hoàn thành cũng ngốn của ông hàng chục năm.
Mục đích của ông còn vươn xa hơn việc tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, duy nhất. Điều ông muốn là không ngừng tiến bộ. Những gì ông sáng tạo ra luôn là những "tác phẩm đang được hoàn thiện" vì ông hiểu bản thân vẫn chưa nắm bắt được hết các kỹ thuật mới.
Ví dụ như, bức họa Nàng Mona Lisa được cho là được hoàn thành trong 10 đến 14 năm nhưng Leonardo de Vinci vẫn không cho rằng nó thực sự hoàn hảo.
Theo ông, những điều con người làm có thể không nhất định phải hoàn thành bởi nó có thể được cải tiến hơn nữa theo sự trải nghiệm của bạn trong suốt cuộc đời.
Leonardo da Vinci đã quan sát thế giới theo cách mà chưa ai từng làm, những điều ông làm phụ thuộc vào cách tương tác của ông với thế giới.
Danh họa đã chọn cách luôn nhận thức và hài hòa với thế giới. Tò mò là một loại vũ khí tinh tế mà mỗi chúng ta có thể sử dụng để gây ảnh hưởng tới thế giới. Đó không phải điều kiện đảm bảo để bạn có thể trở thành người tài năng nhưng mọi thiên tài đều sở hữu điều này.
Theo Medium