Dưới đây là danh sách do trang mạng We are the Mighty đưa ra (một trang tin chuyên về thông tin giải trí và đời sống của cộng đồng quân đội Mỹ. Facebook của trang này hiện có hơn 700.000 lượt like).
Thông qua bài viết này, We are the Mighty muốn gửi gắm thông điệp: Nếu muốn hủy bỏ một chương trình vũ khí chỉ vì những vấn đề ban đầu (như F-35) thì cần nhớ lại rằng, ngay cả những mẫu máy bay thành công nhất cũng từng nếm trải vô vàn khó khăn.
1. F-4U Corsair
Đây là mẫu máy bay có hiệu suất cao nhưng sự phức tạp của nó đã gây ra nhiều tai nạn chết người. Trong Thế chiến II, có lúc Hải quân Mỹ đã chọn gắn bó với những chiếc F6F và sẵn lòng để lực lượng Lính thủy đánh bộ triển khai Corsair từ các căn cứ trên bộ.
Tới giai đoạn cuối của cuộc chiến, Hải quân Mỹ mới bắt đầu triển khai Corsair trên tàu sân bay, khi họ cần tới những chiến đấu cơ có hiệu suất cao để bắn hạ máy bay cảm tử (kamikaze) của Nhật Bản.
Mẫu máy bay này sau đó đã chứng minh được khả năng tấn công mặt đất rất tốt, đặc biệt là trong chiến tranh Triều Tiên.
2. P-51 Mustang
Phiên bản đầu tiên của P-51, chiếc P-51A được lắp động cơ Allison. Điều đó khiến máy bay gặp vấn đề khi ở độ cao lớn. Tuy nhiên, một số vẫn công nhận rằng mẫu P-51 có tiềm năng và quyết định thử nghiệm với động cơ Rolls Royce Merlin. Và đến nay, chúng ta đã biết nó có hiệu quả như thế nào.
3. P-38 Lightning
Khó có thể tin rằng một chiếc máy bay do huyền thoại Kelly Johnson của Tập đoàn Lockheed nổi tiếng thiết kế lại gặp vấn đề.
Những phiên bản đầu tiên của chiếc Lightning đã bị tê liệt bởi các vấn đề với khả năng chịu nén. Một trong những sự cố của dòng máy bay này đã suýt đặt dấu chấm hết cho phi công huyền thoại Robin Olds.
Sau này, thiết kế cánh tà mới giải quyết được vấn đề trên và mẫu P-38 đã có sự nghiệp vinh quang.
4. F-111 Aardvark
Chiếc "Vark" có tầm hoạt động xa, tốc độ cao và tải trọng lớn.
Mặc dù gặp nhiều vấn đề trong giai đoạn đầu thiết kế dự án và có chi phí giờ bay quá cao nhưng nó lại được đánh giá là máy bay tấn công đáng tin cậy trong mọi điều kiện thời tiết.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc, những chiếc F-111E, F-111F đã thực hiện hàng trăm phi vụ mà không có bất kỳ thiệt hại nào.
5. B-1B Lancer
Trong những năm 1980, B-1B được coi như những "bà hoàng trong hangar" và nó cũng gặp nhiều vấn đề với thiết bị gây nhiễu ALQ-161. Kế hoạch mua sắm mẫu máy bay này đã gây ra cuộc tranh cãi lớn trong Quốc hội Mỹ nhưng cho tới nay, nó vẫn là máy bay ném bom chiến lược của Không lực Mỹ.
Tháng 7 vừa qua, Không quân Mỹ thông báo rằng họ sẽ triển khai máy bay ném bom B-1 tại căn cứ Guam, Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2.000 hải lý. Theo đài RFI (Pháp), đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Guam.
Ngoài ra, Washington đang tiến hành đàm phán với Canberra về khả năng điều động máy bay ném bom chiến lược B-1 đến Úc.
Với tầm hoạt động 9.400 km, việc triển khai B-1 tại Guam và Úc sẽ cho phép loại máy bay này hoạt động dễ dàng trong khu vực Biển Đông.
Theo giới chuyên gia quân sự, máy bay ném bom chiến lược B-1, tuy đã hoạt động từ 30 năm qua nhưng có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn và và khả năng bay thấp, sẽ tạo ra nhiều lợi thế để đối phó với chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Trung Quốc.
6. C-17 Globemaster
Chương trình C-17 gặp nhiều vấn đề lớn trong quá trình nghiên cứu và chế tạo (R&D) và suýt chút nữa đã bị hủy bỏ sau khi vài chục khung thân được chế tạo.
Tuy nhiên, không chỉ thay thế được cho C-141, C-17 còn chứng tỏ nó có nhiều khả năng hơn thế. Giờ đây, C-17 không chỉ phục vụ trong Không quân Mỹ mà còn tại nhiều quốc gia trong khối NATO.
7. C-5 Galaxy
Chương trình C-5 Galaxy cũng gặp nhiều trở ngại. Các vết nứt trên cánh và chi phí vượt quá mức đã đẩy dòng máy bay C-5 vào nguy hiểm.
Hiện Không quân Mỹ đã khắc phục các vấn đề và C-5 đang được hiện đại hóa, giúp nó có thể tiếp tục phục vụ trong nhiều thập kỷ tới.
8. V-22 Osprey
Nhiều lần các chuyên gia, chính trị gia và thậm chí cả ông Dick Cheney (Phó Tổng thống Mỹ giai đoạn 2001 - 2009) cũng muốn hủy bỏ dự án phát triển V-22. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại và trở thành xương sống của các đơn vị viễn chinh thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ.
9. F/A-18 Hornet
Mẫu máy bay này tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là tầm hoạt động ngắn (tuy nhiên điều đó phần nào đã bị thổi phồng bởi trên thực tế, F/A-18 có tầm hoạt động xa hơn chiếc F-4 Phantom). Chi phí của chương trình cũng bị đội lên tương đối cao.
Song, Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ vẫn gắn với F/A-18. Nó đã trở thành xương sống của phi đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay từ những năm 1990 và đầu những năm 2000.
10. F-16 Fighting Falcon
Ban đầu, Không quân Mỹ không ưa F-16. Động cơ của nó có thể bị dừng ngay giữa chuyến bay, buộc các phi công phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp theo kiểu "deadstick landing" (tức là hạ cánh khi động cơ không hoạt động).
Tuy nhiên, sau khi các vấn đề được loại bỏ, F-16 đã và đang hoạt động bền bỉ trong Không quân Mỹ, cũng như trong nhiều lực lượng quân đội nước ngoài.