"Làm sao đối thoại với kẻ cố tình đối đầu?"

Bùi Hải |

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, chính là nguyên nhân tái diễn tình trạng "thất thủ" tại trạm thu phí Ninh Lộc (Khánh Hòa).

Bản kiến nghị trong đêm

Đêm muộn hôm qua, ông Trần Phúc Tự, TGĐ cty đầu tư Trạm thu phí này, đã phải phát đi thông báo và kiến nghị giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở trạm thu phí Ninh Lộc.

Theo ông Tự, liên tục hai ngày 3-4/7/2018, tài xế Nguyễn Minh Hùng, sinh năm 1979 (Phong Thạnh, Ninh Lộc, Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã dùng 2 ô tô của gia đình đỗ xe ngay trước Trạm và hô hào một số xe khác dừng lại mà không mua vé, khiến Trạm Ninh Lộc "thất thủ".

Điều ngạc nhiên là CSGT Khánh Hòa đã có mặt tại hiện trường, nhưng không thể yêu cầu Hùng di chuyển ra khỏi làn, trả lại đường cho các phương tiện tham gia giao thông khác.

Theo ông Tự, Nguyễn Minh Hùng cũng chính là nhân vật chủ chốt trong vụ cố tình gây ùn tắc giao thông tại Ninh Lộc những ngày đầu tháng 5/2018, khiến cty phải xả trạm tới 40 lần/ ngày.

Làm sao đối thoại với kẻ cố tình đối đầu? - Ảnh 1.

Hàng loạt ô tô bị ùn ứ hai đầu trạm BOT Ninh Lộc. Ảnh: PL.TPHCM

Trong báo cáo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An và Ban GĐ công an Khánh Hòa ngày 8/5/2018, ông Tự đã nêu rõ: Nguyễn Minh Hùng đã có hành vi cản trở giao thông khi cùng một nhóm vài chục ô tô đi dàn hàng ngang theo cả hai chiều cùng lúc, dừng đỗ trên tất cả các làn thu phí của Trạm.

Các tài xế này đều dừng lại rất lâu (theo quy định tối đa chỉ được dừng 5 phút) nhưng không mua vé, một số tài xế khóa kính xe, ngồi chơi ở trong, số khác đi ra khỏi xe, không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT.

Làm sao đối thoại với kẻ cố tình đối đầu? - Ảnh 2.

Tài xế tấn công nhân viên trạm BOT Ninh Lộc. Ảnh do báo PL.TPHCM cắt từ clip

Chỉ đến khi giao thông ùn tắc rất dài, trạm phải xả, họ mới cho xe đi. Tuy nhiên, khi vừa đi qua, những tài xế này lại cho xe vòng xe trở lại, tiếp tục dừng đỗ trái phép cho đến khi gây ùn tắc kéo dài.

Nguyên nhân của hành vi được cho là gây cản trở giao thông này, xuất phát từ chuyện Bộ GTVT không chấp thuận phương án miễn giảm phí do chủ đầu tư kiến nghị.

Tháng 12/2017, nhiều tài xế đã trả tiền lẻ khi qua Trạm, gây ùn tắc kéo dài. Khi ấy, Chủ đầu tư Trạm Ninh Lộc là đơn vị đầu tiên đứng ra tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tài xế.

Cuộc đối thoại thành công, điểm nóng được hạ nhiệt.

Sau cuộc đối thoại, chủ đầu tư đã thực hiện đúng cam kết với dân khi miễn giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 của người dân thuộc 17 xã, phường xung quanh trạm BOT này.

Thế nhưng sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại thông báo, kể từ ngày 1/5, chỉ giảm phí từ 40-50% cho các phương tiện loại 1 và phạm vi giảm cũng thu hẹp chỉ còn 8 xã, phường.

Đây chính là nguyên nhân khiến tài xế phản ứng và thực hiện hành vi cản trở giao thông những ngày đầu tháng 5/2018.

Một lần nữa, Chủ đầu tư lại kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận mức miễn giảm rộng hơn cho người dân, đúng như cam kết trước đó trong đối thoại. Lần này, Bộ đã đồng ý với phương án đó. Điểm nóng lại được hạ nhiệt một lần nữa.

Tiếng kêu của những người đã thực hiện đúng cam kết

Khi Bộ GTVT chấp thuận phương án mở rộng diện miễn giảm phí qua trạm như đề xuất của Chủ đầu tư, ai cũng nghĩ xung đột đã được hóa giải.

Nói về việc mở rộng miễn giảm, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa nhấn mạnh: "Thực hiện miễn, giảm như trước ngày 1/5 là phù hợp thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bây giờ, quấy rối không còn lý do nữa, một số đối tượng cố tình lợi dụng chuyện đó, thì đề nghị xử lý nghiêm".

Vậy ai là người cố tình lợi dụng chuyện đó như ông Dần nói và chính quyền Khánh Hòa đã xử lý nghiêm như thế nào, mà những ngày đầu tháng 7/2018, tình trạng cản trở giao thông lại tái diễn?

Đầu tháng 5/2018, những người cản trở giao thông tại Trạm Ninh Lộc đã tiến thêm một bước rất nguy hiểm và mất kiểm soát. Họ không chỉ dừng đỗ gây ùn tắc mà còn tiến hành đập phá tài sản của Trạm và hành hung nhân viên của ông Tự.

Làm sao đối thoại với kẻ cố tình đối đầu? - Ảnh 3.

Tài xế đập vỡ cabin thu phí. Ảnh: Vietnammoi

Ngay thời điểm đó, Tổng cục Đường bộ đã phải có một công văn hỏa tốc gửi Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị xem xét khởi tố các hành vi gây rối, cản trở giao thông, gây mất an ninh tại trạm Ninh Lộc.

Sau đó trong buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh lần nữa: Có một số đối tượng quá kích, gây mất an ninh trật tự, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo lực lượng làm rõ.

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Ngàn - PGĐ Công an tỉnh Khánh Hòa lại đưa ra quan điểm khác: "Khi có phản ứng của người dân thì lực lượng trạm thu phí phải giải quyết trước, sau đó mới đến công an.

Chúng tôi lập biên bản sự việc tài xế dừng xe quá 5 phút theo văn bản của Tổng cục Đường bộ VN. Có điều bất cập là luật xử lý vi phạm hành chính không nằm trong quy định này. Cơ sở pháp lý xử lý việc này rất khó".

Quan điểm của ông Ngàn được ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND, không đồng tình: "Xe vòng qua vòng lại qua trạm nhiều lần trong ngày mà đặt camera được mặt người lái xe và biển số thì có thể xử lý hành vi gây rối trật tự rồi".

Chưa đến 2 tháng sau các cuộc họp đó, ngày 3-4/7/2018, Nguyễn Minh Hùng xuất hiện trở lại, gây cản trở giao thông, trước sự bất lực của công an.

"Có ai hiểu cái khó của nhà đầu tư không? Chúng tôi vay ngân hàng một đống tiền, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đúng cam kết mở rộng miễn giảm phí cho dân.

Chúng tôi luôn muốn đối thoại, nhưng đó phải là cuộc đối thoại đúng pháp luật, mang tính xây dựng, với những người đàng hoàng.

Chúng tôi, những nhà đầu tư làm ăn chân chính không cần và làm sao có thể đối thoại với những kẻ cố tình đối đầu, gây rối.

Nếu những kẻ này tiếp tục hoành hành, không những an ninh trật tự không được đảm bảo, pháp luật bị khinh nhờn mà chúng tôi còn vi phạm cam kết tài chính với ngân hàng, khiến nhà nước vi phạm cam kết với nhà đầu tư.

Chúng tôi đề nghị Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo an ninh trật tự và môi trường đầu tư. Đừng để những nhà đầu tư nghiêm túc phải kêu trời." – ông Trần Phúc Tự nói.

Như vậy, ý kiến của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, của ông Thiên, của Nhà đầu tư đều nhất quán với tinh thần công điện của của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/1/2018.

 Công điện ấy yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động.  

Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật. 

Làm sao đối thoại với kẻ cố tình đối đầu? - Ảnh 5.

Các hành vi cản trở, gây rối ở BOT Ninh Lộc đã diễn ra đúng với mô tả trong công điện của Thủ tướng.

Vậy nhưng hai tháng qua, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tịch, Công an tỉnh đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cách đây vài ngày, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh: "Một trong những trọng điểm mà các tổ chức gây rối thường tập trung vào các dự án BOT".

Ông Thể đề nghị Bộ Công an, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư tích cực hỗ trợ việc giữ gìn an ninh trật tự ở các Trạm này.

Xin nhắc lại: Đã có rất nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều công văn hỏa tốc được gửi đi cùng nhiều phát ngôn mạnh mẽ, nhưng những kẻ gây rối vẫn còn đó. Dư luận vẫn đang đợi câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng của Khánh Hòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại