Làm sao để lau chùi TV màn hình phẳng đúng cách nhất

Minh.T.T |

Thực ra việc này đơn giản hơn bạn nghĩ nhiều, và một miếng vải mềm có lẽ là tất cả những gì bạn cần dùng đến.

Giống như mọi thiết bị điện tử khác, TV có thể dính bụi và bám bẩn như dấu vân tay trẻ em chẳng hạn. May mắn thay, lau chùi chiếc TV màn hình phẳng nhà bạn lại là một quy trình đơn giản, không đòi hỏi bất kỳ loại hoá phẩm đặc biệt đắt đỏ nào.

Dù thị trường TV hiện tại đang bị thống trị bởi những chiếc TV LCD (LED) và OLED màn hình lớn, siêu sáng, rất nhiều người trong số chúng ta vẫn sử dụng các loại TV cũ hơn, bao gồm các TV plasma đã bị ngừng sản xuất từ năm 2014, hay thậm chí là các TV CRT cồng kềnh đã bắt đầu mất hút từ năm 2008.

Nếu bạn muốn lau chùi các TV CRT cổ điển này, công việc sẽ đơn giản hơn một chút, vì màn hình của chúng được làm từ kính và có thể được lau chùi như mọi món đồ bằng kính khác trong nhà. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần dùng một loại dung dịch nước chùi kính bất kỳ kèm một miếng vải khô là được.

TV LCD nhạy cảm hơn nhiều và cần phải được lau chùi thật cẩn thận để tránh làm xước hay hư hỏng màn hình. Và dù TV plasma cũng có màn hình bằng kính, các nhà sản xuất thường thêm một lớp chống loá khá nhạy cảm lên trên, nên chúng cũng cần được lau chùi theo cách giống TV LCD.

Đối với TV OLED, lời khuyên cũng tương tự TV LCD: lau chùi màn hình bằng một miếng vải mềm, khô để tránh làm xước màn hình.

Trong mọi trường hợp, bạn cần tắt TV, hoặc rút phích điện trước khi lau chùi. Bởi theo Claudio Ciacci, trưởng chương trình thử nghiệm TV của Consumer Report thì: "Bên cạnh việc an toàn hơn cho TV, bạn dễ dàng thấy bụi hay dấu tay trên màn hình hơn khi nó tối đen. Tắt TV còn giúp nó nguội bớt trước khi lau chùi".

Nếu bạn không rõ loại TV mình đang dùng, bạn có thể xem hướng dẫn sử dụng. Hầu hết các loại sổ tay này, hoặc website của nhà sản xuất, đều có hướng dẫn cách tốt nhất để lau chùi TV. Làm một điều hướng dẫn sử dụng cấm không được làm sẽ khiến TV của bạn mất bảo hành.

Dưới đây là một số lời khuyên để lau chùi TV màn hình phẳng.

Sử dụng vải mềm, khô

Màn hình có thể rất dễ bị xước, và ngay cả khăn giấy hay giấy vệ sinh có chứa sợi xơ cũng có thể gây ra hư hại cho màn hình.

Làm sao để lau chùi TV màn hình phẳng đúng cách nhất - Ảnh 1.

"Tốt nhất bạn nên sử dụng một miếng vải microfiber mềm, chống tĩnh điện - loại vải dùng để lau kính hay ống kính máy ảnh - và lau theo vòng tròn" - John Walsh, người thường xuyên lau chùi hơn 250 TV mỗi năm (anh này làm thợ ảnh cho Consumer Report), cho biết.

Đôi lúc, các nhà sản xuất TV sẽ tặng kèm bạn một miếng vải để phục vụ mục đích lau chùi này. "Nhẹ nhàng chùi nhẹ màn hình với miếng vải khô để loại bỏ bụi và các vết bẩn khác, nhưng đừng ấn quá mạnh".

Bạn cũng nên lau thân TV, và đảm bảo bụi không lọt vào các lỗ thông hơi giúp TV toả nhiệt. Nếu TV được đặt trên đế và không gắn lên tường, bạn nên một tay giữ TV, một tay lau để đề phòng trường hợp TV bị trượt. Bạn có thể sử dụng dây buộc cố định chân đế TV vào bàn/kệ đặt TV để tiện cho việc lau chùi.

Nếu có một số vết bẩn cứng đầu, bạn có thể nhúng nhẹ miếng vải vào nước cất và nhẹ nhàng lau màn hình. Đừng xịt nước trực tiếp vào màn hình, bởi nước có thể gây sốc điện hoặc gây hỏng các linh kiện bên trong nếu nó lọt qua các khe nhỏ li ti quanh màn hình và thấm vào bên trong.

Đối với các vết bẩn quá khó chùi, bạn có thể pha nước rửa chén đĩa với nước ở nồng độ rất loãng, nhúng nhẹ miếng vải vào và lau nhẹ nhàng màn hình. Panasonic khuyến cáo tỉ lệ pha chế nước:nước rửa chén là 100:1. Đặc biệt, màn hình LCD rất nhạy cảm với áp lực và có thể dễ dàng bị trầy, do đó đừng nhấn quá mạnh.

Nếu bạn sử dụng một miếng vải ẩm, bạn nên lau màn hình một lượt nữa với một miếng vải khô để loại bỏ bất kỳ các vệt nước hình xoáy hoặc hình sọc.

Tránh các hoá chất độc hại

Alcohol và Ammonia - những hoá chất có trong nước lau kính - có thể khiến chiếc TV màn hình phẳng của bạn sớm giã từ cõi đời, do đó đừng sử dụng những loại nước lau chùi có chứa chúng.

Nếu bạn muốn sử dụng một loại nước lau màn hình nào đó - mà thực ra bạn sẽ không cần đâu - thì hãy chọn loại nào nêu rõ không có chứa alcohol hay ammonia. Ngoài ra, đừng sử dụng bất kỳ công cụ lau chùi nào có chứa chất liệu nhám có thể làm trầy màn hình.

Đừng sử dụng các bộ kit lau chùi bán sẵn

Một vài cửa hàng bán các bộ kit với giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn, trong đó có một miếng vải microfiber và một lọ nước lau chùi nhỏ...chủ yếu chứa toàn nước mà thôi.

Bạn đừng nên mua những bộ kit như vậy, hãy mua một miếng vải lau chùi tại các cửa hàng bán đồ dùng văn phòng và sử dụng nước cất, hoặc dung dịch lau chùi bạn tự làm theo hướng dẫn nêu trên. Nếu bạn thực sự muốn dùng bộ kit lau chùi, hãy đảm bảo dung dịch lau chùi trong bộ kit đó không có cồn, ammonia, hay acetone.

Đừng bỏ quên chiếc điều khiển từ xa

Điều khiển từ xa không chỉ là thứ dễ bám bụi bẩn nhất, nó còn là nơi tụ tập của vô số loại vi khuẩn (hãy nghĩ xem có bao nhiêu bàn tay của bao nhiêu người đã từng cầm chiếc điều khiển mỗi ngày, liệu họ đã rửa sạch tay hay chưa, hay liệu bạn hay ai đó có bất ngờ hắt xì hay ho trong khi đang cầm chiếc điều khiển trước mặt hay không?)

Làm sao để lau chùi TV màn hình phẳng đúng cách nhất - Ảnh 3.

Để đảm bảo an toàn, tốt nhất hãy tháo pin khỏi điều khiển trước khi lau chùi. Sau đó hãy lật điều khiển lại sao cho các nút bấm hướng xuống mặt sàn, rồi đập điều khiển vào lòng bàn tay để bụi bẩn nằm giữa các kẽ nút bấm lọt ra ngoài.

Sau đó, lau chùi toàn bộ điều khiển với một miếng vải mềm đã được xịt một ít alcohol pha loãng với nước. Hãy nhớ, miếng vải chỉ nên được làm ẩm thôi, chứ không phải ướt.

Để lau chùi kỹ xung quanh các nút bấm, hãy sử dụng một que bông ngoáy tai được làm ẩm bằng hỗn hợp alcohol/nước nói trên. Các vết bẩn cứng đầu hơn, nằm lọt sâu bên trong các nút bấm có thể được loại bỏ bằng một chiếc bàn chải đánh răng khô, hay một que tăm xỉa răng.

Cuối cùng, lau chùi toàn bộ điều khiển một lần nữa bằng một miếng vải mềm, khô, và lắp pin vào. Chúc mừng, chiếc TV và điều khiển từ xa của bạn đã sạch sẽ rồi đấy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại