Tìm cách chống trộm, người đàn ông không ngờ có ngày chặn đứng đường sống của người trong nhà

Nguyễn Nhung |

Cái kết đau lòng trong câu chuyện dưới đây là lời nhắc nhở đến nhiều người trong chúng ta.

Đường lui

Tôi từng đọc một bài báo có nội dung như thế này:

Một gia đình nọ bị trộm đột nhập. Để đề phòng trộm không phá cửa sổ lẻn vào một lần nữa, chủ nhà đã cho lắp đặt một hàng rào sắt loại bên ngoài tất cả các cửa sổ ở tầng một.

Thế nhưng sau đó, nhà họ vẫn bị trộm đột nhập và họ phát hiện ra rằng, kẻ trộm đã bám vào hàng rào chắn bên ngoài cửa sổ tầng một rồi leo lên tầng hai.

Để đối phó với trộm, chủ nhà tiếp tục lắp thêm hàng rào sắt chắn bên ngoài cửa sổ tầng hai và nghĩ: Mình đã phòng đến mức này, kẻ trộm cho dù có giỏi thế nào cũng không thể nào vào nhà mình được nữa.

Nào ngờ, chẳng bao lâu sau đó, nhà ông ta bị cháy, trẻ con và một người lớn tuổi trong nhà ngủ ở tầng hai, vì cửa sổ bị hàng rào kim loại chắn kín bên ngoài nên không ai thoát ra được.

Lời bình

Khi chúng ta tự cho rằng mình đã cắt đứt thời cơ, cơ hội của kẻ thù thì cũng có thể, chúng ta đang tạo ra cho họ một cơ hội khác; khi chúng ta vít kín toàn bộ cơ hội của kẻ thù, rất có thể chúng ta đã đánh mất cơ hội của chính mình.

Cho dù chúng ta đối phó với kẻ thù thế nào đi chăng nữa, cũng cần phải nhớ để lại cho mình một đường lui.

Làm rào ngăn trộm, người đàn ông không ngờ có ngày chặn đứng đường sống của người trong nhà - Ảnh 1.

Đường lên thiên đàng

Có một vị cha xứ lần đầu đến thị trấn nọ. Ông ta hỏi một đứa trẻ: "Cậu bé, cháu có thể nói cho ta biết đường đến bưu điện không?"

Sau khi được đứa trẻ miêu tả chi tiết đường đi, vị cha xứ nói: "Cảm ơn cháu, cậu bé. Đúng rồi, chủ nhật này cháu đến nhà thờ tìm ta nhé, ta có thể nói cho cháu biết đường lên thiên đàng.

Tưởng chừng đứa trẻ đó sẽ rất hào hứng trước lời đề nghị trên nhưng phản ứng của nó đã khiến vị cha sứ khó xử: "Thôi ạ, đến đường đến bưu điện ông còn không biết, làm sao ông có thể nói cho cháu biết đường lên thiên đàng đây?"

Lời bình

Nếu như muốn có được niềm tin của người khác, chúng ta bắt buộc phải làm giàu kiến thức cho bản thân, khiến mình trở nên giỏi giang, lớn mạnh. Có như vậy, khi người khác đưa ra nghi vấn, chúng ta mới không bị rơi vào thế "bí".

Ý kiến của bản thân

Có hai bố con vào trong thành mua lừa, đến khi mua bán xong xuôi, cả hai đều ngồi trên lưng lừa để nó đưa về nhà.

Trên đường đi, có người nhìn thấy cha con họ liền chép miệng nói: "Hai người này thật ngược đãi con lừa quá."

Nghe vậy, hai bố con bảo nhau đi xuống và dắt con lừa về nhà.

Lại có một người qua đường khác nhìn thấy và lên tiếng: "Hai kẻ ngốc này, có lừa mà không cưỡi."

Lần này, người cha để con trai ngồi trên lưng lừa còn mình thì dắt con vật đi.

"Con trai nhà này bất hiếu thật, để bố phải vất vả dắt lừa còn mình thì chễm chệ trên lưng con vật." – Một người đi đường khác nói.

Người con trai nghe thế liền nhảy xuống, bảo bố lên trên lưng lừa ngồi. Thế nhưng lần này, cũng vẫn bị người qua đường nói: "Ông bố này thật nhẫn tâm, bắt con trai chịu khổ."

Hai bố con khổ sở nhìn nhau, cuối cùng quyết định cùng nhau vác con lừa về.

Làm rào ngăn trộm, người đàn ông không ngờ có ngày chặn đứng đường sống của người trong nhà - Ảnh 3.

Lời bình

Câu chuyện này muốn nói rằng, nếu không có chính kiến của bản thân, cứ bị người ngoài thao túng, điều khiển, lung lay theo lời nhận xét của người ngoài, sẽ khó làm được việc gì thành công, cũng khó có thể duy trì được sự cân bằng.

Đoán ý cấp trên

Có một người đảm nhiệm chức vụ thư ký, lãnh đạo yêu cầu anh ta xem tất cả các báo cáo để xem chúng được viết ra sao. Người này xem xong báo lại với lãnh đạo rằng: "Tôi cho rằng viết không tệ."

Lãnh đạo liền lắc đầu, thư ký vội nói: "Nhưng có một vài vấn đề."

Lãnh đạo lại lắc đầu, thư ký vội chữa cháy: "Vấn đề không lớn lắm."

Lãnh đạo vẫn lắc đầu, thư ký liền nói: "Vấn đề chủ yếu là viết chưa hay lắm, biểu đạt cũng chưa rõ ràng."

Nói đến mức này nhưng lãnh đạo vẫn chưa hài lòng, vẫn lắc đầu.

"Những vấn đề này sửa lại một chút sẽ tốt hơn"- người thư ký nói.

Dù vậy, lãnh đạo có vẻ vẫn chưa hài lòng, vẫn tiếp tục lắc đầu.

"Tôi đề nghị trả lại báo cáo này." – thư ký nói.

Đến lúc này, vị lãnh đạo mới nói: "Chiếc áo mới này cổ hơi chật, thật khó chịu quá."

Lời bình

Đừng tùy tiện đoán biết ý đồ của lãnh đạo, thay vào đó, hãy biểu đạt một cách rõ ràng ý kiến của bản thân, không cần thiết phải lấy lòng người khác hay làm mọi việc để được người khác thừa nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại