Nói thế thôi, sự tính toán là cần thiết nhưng dư luận đã nhận định Quảng Nam sẽ đăng quang. Bóng đá nội vui là thế, nhiều khi những nhà điều hành, tổ chức giải dường như cứ... không biết, nhưng khán giả thì rất tinh.
… Nhưng thôi, với các quan chức bóng đá, điều quan trọng nhất là giải đã về đích an toàn. Suốt 26 vòng đấu, ăn không ngon ngủ không yên, mệt mỏi quá thể! Bản báo cáo màu hồng đã có khung sẵn, chỉ thêm ít chỉ số nữa là có thể tự tin đọc trang trọng trong Gala Tổng kết mùa giải 2017 vào tối 2/12 tới đây. Lại nâng ly, lại chúc mừng, lại hát ca.., rồi phấn đấu năm 2018, V-League sẽ tốt đẹp hơn.
Để có được một tối vui vẻ như thế, cả ngày hôm đó, và thêm ngày 1/12 nữa, các sếp lại phải dự Đại hội Thường niên VFF. Bao nhiêu vấn đề trong năm của bóng đá Việt Nam sẽ phải được bàn thảo trong 2 ngày. Bóng đá trẻ dù đang khá ổn diện nhưng thất bại của U23 tại SEA Games 29 vẫn còn nhức nhối. Lối đá của ĐTQG vẫn chưa có hồn cốt.
Tại Đại hội Thường niên VFF, có lẽ câu chuyện nhân sự chuẩn bị cho Đại hội VFF đầu năm sau sẽ nóng hơn cả. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã rất "mệt mỏi” trong 2 năm qua rồi. Việc ông sẽ xin rút, không ứng cử nhiệm kỳ tới, gần như chắc chắn. Phó Chủ tịch phụ trách tài chính- bầu Đức- cũng “thấm mệt”.
Không như kỳ vọng, ông tìm được quá ít tiền cho BĐVN. Sau SEA Games 29 thất bại, bầu Đức đã đâm đơn xin rút lui, vẫn chưa được các Ủy viên BCH chấp nhận, nên đây sẽ là điều kiện tốt nhất để ông từ giã ngôi nhà VFF.
Nhiều người cứ trách Phó Chủ tịch ông Trần Quốc Tuấn là “dài tay”. Vấn đề, trong bối cảnh Chủ tịch và Phó Chủ tịch trên “mệt mỏi” trường kỳ như thế, ông Tuấn không lăn vào điều hành các hoạt động ở VFF thì ai sẽ làm?
Đại hội thường niên VFF xong, một ngày sau, 3/12, các sếp lại tiếp tục dự Đại hội Cổ đông Công ty cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), nhiệm kỳ 2017- 2020, tại Hà Nội. Dư luận đang phong phanh Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng sẽ xin rút, nguyên nhân cũng vì “mệt mỏi”.
Đúng là làm Chủ tịch HĐQT VPF không dễ, khi cơ cấu tổ chức, nhân sự, quy trình hoạt động rất chồng chéo. VPF ra đời là biểu hiện của sự tích cực, đúng xu hướng phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Có điều, phải thú thật qua mấy năm hoạt động của tổ chức, dư luận cho rằng vẫn chỉ là “sân sau” của VFF.
Khả năng kinh doanh có lãi thấp. Năng lực tổ chức, điều hành, kiến tạo giúp nền bóng đá chuyên nghiệp vượt ra khỏi thời bao cấp của công ty này vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng lẽ lại giải tán VPF, trả lại cho VFF quyền tổ chức, điều hành hệ thống giải chuyên nghiệp? Nếu thế hóa... tụt lùi so với bóng đá thế giới?!
Tất cả chúng ta đều mong muốn từ đầu năm 2018, bóng đá Việt Nam sẽ bước sang chương mới. Muốn thế, Đại hội nhiệm kỳ VFF phải bầu ra được một bộ máy quan chức VFF thực sự hồng lẫn chuyên. Ưu tiên người nhà nước, hay là doanh nghiệp?
Doanh nghiệp cũng có các phẩm chất tốt, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít lỗ hổng mà nhiệm kỳ qua đã chứng minh rất rõ. Nếu chọn người nhà nước thì đâu dễ tìm ứng viên đáp ứng tiểu chuẩn: Hiểu và có năng lực lực quản trị bóng đá.
Nói chung là mệt, rất mệt với các vị lãnh đạo bóng đá, nhất là thời điểm cuối năm sự kiện dồn dập. Nghịch lý ở chỗ, dù mệt thế mà rất nhiều người, dù nghỉ hưu rồi vẫn cố chen chân “đáp” sang VFF. Còn nhớ phát biểu của một cựu quan chức Ủy ban TDTT trước đây: “nhiều quan chức bóng đá ở ta giàu lên một cách nhanh chóng”!