Tại diễn đàn trực tuyến: "Kiểm soát lạm phát – Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế" do Tạp chí Hải quan tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lạm phát năm nay có nhiều áp lực, sẽ tăng nhưng không quá cao.
Ông Khang cho biết, từ năm 2015 tới nay, lạm phát trong nước đã được kiểm soát tốt, chỉ từ 2-3%. Trong đó lạm phát lõi chỉ dao động từ 1-2%, nên lạm phát tổng thể chỉ khoảng 2,6%. Đây là mức tốt so với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Trong quý 1/2022, việc giảm thuế GTGT và một số mặt hàng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 để kích cầu trong bối cảnh hiện nay đã góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành.
Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới tăng cao đột biến từ cuối tháng 2 đã có những tác động tiêu cực đến kiểm soát lạm phát, che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế GTGT cho một số mặt hàng dịch vụ.
"Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân trong quý 1/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2%- 2,2%. Diễn biến này cũng nằm trong xu thế dài hạn của lạm phát bởi vì về cơ bản lạm phát lõi vẫn đang ở mức thấp, nhờ đó đã tạo nên nhân tố hết sức tích cực để bù đắp lại phần tăng đột biến của giá xăng dầu trong thời gian sắp tới", ông Khang chia sẻ.
Cùng với đà tăng giá cả hàng hóa cơ bản, việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, áp lực này sẽ chậm hơn do độ trễ của chính sách
Chu kỳ lạm phát này khác với các chu kỳ lạm phát trước. Đó là, ở các chu kỳ lạm phát trước, tổng cầu gia tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế đã tạo ra sự chênh lệch sản lượng và gây áp lực lên lạm phát.
Trong khi đó, lạm phát lần này bị tác động bởi sự thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất. Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao.
Ông Khang cho rằng, rất khó để đòi hỏi mức lạm phát dưới 4% trong bối cảnh hiện nay. "Liệu chúng ta có đang tự bó hẹp tiềm năng của mình? Chúng ta có nên chấp nhận ở mức lạm phát cao hơn một chút, có thể điều chỉnh lạm phát bình quân ở mức dưới 5% (cộng trừ 1%) để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng hay không?".
Đối với câu hỏi lạm phát có khiến giá vàng, tỷ giá tăng hay không, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia cho rằng, giá vàng luôn có xu hướng tăng trong thời hạn, khi lạm phát tăng thì nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang kênh tài sản khác như vàng hoặc bất động sản, nhưng lạm phát lại không phải nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng tăng.
Theo ông Khang, tỷ giá của Việt Nam cũng không phụ thuộc lớn vào lạm phát. Bởi nếu quan sát kĩ có thể thấy, hiện nay lạm phát tại Việt Nam còn thấp hơn lạm phát tại Mĩ, yếu tố lạm phát gây áp lực lên tỷ giá bây giờ đã khác trước hoàn toàn.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ là 7,5% trong khi CPI tháng 1 của Việt Nam chỉ có 1,94%, chênh nhau tới hơn 5 điểm %. "Đây là một sự chênh lệch lớn nên nhận định lạm phát gây áp lực đến tỷ giá tại thời điểm này là không đúng".
Tỷ giá của Việt Nam không phục thuộc lớn vào lạm phát mà là động thái của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 16/3 tới đây.
Bên cạnh đó, vị này cũng nhận định, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay của chúng ta không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi trong cả một giai đoạn vừa qua chúng ta đã tạo được nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá.
Theo đó, phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ ổn định hơn trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.