Tuấn Anh đã chơi như thế nào tại SEA Games 29?
Tuấn Anh, người được xem là "báu vật" của bầu Đức và bóng đá VN đã chơi như thế nào tại SEA Games 29? Có lẽ không cần phải dẫn luận những con số cụ thể, bởi có một thực tế, nếu tiền vệ Đỗ Duy Mạnh không chấn thương hay sa sút phong độ thì sự lựa chọn hàng đầu của cựu HLV U22 Việt Nam – Nguyễn Hữu Thắng là Duy Mạnh và Lương Xuân Trường.
Như nhiều lần đã đề cập, dưới triều đại của HLV Hữu Thắng, ĐT Việt Nam hay U22 Việt Nam được xây dựng dựa trên bộ khung của HAGL. Trong đó, cặp tiền vệ Xuân Trường và Tuấn Anh được xem là "hơi thở" của khu trung tuyến.
Thực tế, Tuấn Anh và Xuân Trường đã có những trận đấu bùng nổ. Tiếc thay, nếu nhìn lại thì đấy đều diễn ra trong các trận giao hữu. Điển hình như trận thắng ĐT CHDCND Triều Tiên với tỷ số 5-2 trên sân Thống Nhất vào tháng 10 năm ngoái.
Quay trở lại SEA Games 29, Hữu Thắng đã xây dựng sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1 với Tuấn Anh và Xuân Trường đóng vai trò là những nhà tổ chức trận đấu. Chơi ngay sau lưng là Duy Mạnh sẽ trở thành một "mỏ neo" càn quét trước hàng phòng ngự.
Tuy nhiên, Hữu Thắng đã đổi thay, nhà cầm quân này buộc phải chọn lựa hoặc Tuấn Anh đá cặp với Xuân Trường, hoặc Xuân Trường đá cặp với Duy Mạnh.
Trong trận quyết đấu với U22 Indonesia, ông Thắng đã chọn Duy Mạnh và Xuân Trường. Mãi cho đến khi Duy Mạnh không thể lê chân được nữa, thì Tuấn Anh mới được đưa vào sân thay người. Tiền vệ người Thái Bình không để lại nhiều dấu ấn trong trận hòa thảm hại nói trên.
Ở trận chiến sinh tử với U22 Thái Lan, Tuấn Anh và Xuân Trường bất đắc dĩ phải chơi bên cạnh nhau do Duy Mạnh không thể ra sân. Và hệ quả, khu trung tuyến của U22 Việt Nam bị tê liệt hoàn toàn do không thể đấu lại những cầu thủ chơi cơ bắp, mạnh mẽ của Thái Lan.
Vẫy cờ trắng trước Thái Lan, U22 Việt Nam về nước. Kỳ SEA Games duy nhất và cũng là cuối cùng của Tuấn Anh nếu đọng lại chỉ là những giọt nước mắt và nỗi đau giằng xé trong tâm hồn.
Từ Sebastian Deisler đến Nguyễn Tuấn Anh
Gọi Tuấn Anh là nghệ sĩ có đôi chân "pha lê" có lẽ là chẳng quá chút nào. Chỉ mới tuổi 22 nhưng Tuấn Anh đã 2 lần lên bàn mổ để giải quyết cái đầu gối của mình. Ngoài ra, anh còn gặp hàng chục ca chấn thương lớn nhỏ khác nhau…
Năm 2012, ở tuổi 17, Tuấn Anh đã phải thực hiện ca phẫu thuật hồi phục sụn chêm và dây chằng chéo. Cho đến bây giờ những hệ lụy của lần đụng dao kéo này vẫn còn đó với Tuấn Anh.
Trong 2 năm qua, Tuấn Anh cũng liên tục gặp phải những chấn thương trên sân cỏ. Anh lỡ hẹn với SEA Games 2015 tại Singapore và cũng không thể khoác áo ĐTQG tham dự một giải đấu lớn như AFF Cup 2016.
Tại SEA Games 29, Tuấn Anh cũng không có được phong độ cùng thể lực tốt nhất để vào giải. Đó có thể là nguyên do, anh tiếp tục phải "lết" đôi chân sau khi trở về từ Kuala Lumpur.
Rất có thể, Tuấn Anh sẽ không bao giờ trở thành một cầu thủ lớn của bóng đá Việt Nam, nếu như anh không được nghỉ ngơi thay vào đó phải cày ải liên miên ở các cấp độ CLB đến ĐTQG.
Đến đây, chúng tôi lại chợt nhớ tới Sebastian Deisler, người được xem là "thần đồng" của bóng đá Đức. Năm 1998, ở tuổi 18, Deisler chơi trận đầu tiên ở Bundesliga trong màu áo Borussia Moenchengladbach.
Chỉ vài năm sau anh khoác áo ĐT Đức trước khi gia nhập Bayern Munich từ Hertha Berlin. Nhưng rồi những chấn thương tai ác cùng chứng trầm cảm đã khiến "thần đồng" nước Đức không thể lớn nổi.
Cuối cùng, "tấn bi kịch" không được đợi chờ đã xẩy ra, tháng 1/2007, Sebastian Deisler tuyên bố giải nghệ vì đôi chân vốn được tiêm đầy thuốc và những vết dao kéo của anh không thể sút nổi trái bóng nữa.
"Ai đó sẽ bình luận về một quyết định vội vã. Nhưng sự thực là tôi đã cạn niềm tin. Năm lần mổ đầu gối rồi còn gì. Như thế là quá đủ", Deisler giải thích lý do chia tay sân cỏ khi mới 27 tuổi.
Rất nhiều người đã khóc cho Deisler, một tài năng, một cầu thủ được kỳ vọng sẽ trở thành thủ lĩnh sân cỏ của bóng đá Đức. Và rất nhiều người cũng đã chỉ trích các HLV, đội ngũ y tế ở cấp CLB lẫn ĐTQG đã quá tham lam, để rồi một ngôi sao như Deisler phải "đoản nghiệp".
Làm ơn, hãy cứu lấy "Nhô"
Tuấn Anh là một trong số những tiền vệ sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ở tuổi 22, với sức trẻ của mình, đáng lẽ ra tiền vệ có biệt danh "Ronaldinho của phố Núi" hoàn toàn sung sức để cống hiến cho CLB lẫn ĐTQG.
Ấy vậy mà, Tuấn Anh đang rơi vào tình trạng quá tải sau khi phải "cố đá" vì những món nợ tình cảm và cả sự cả nể, dẫu đôi chân anh giống như một chiếc bình pha lê, mong manh, dễ vỡ.
Đã đến lúc Tuấn Anh cần được nghỉ ngơi, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho đôi chân của mình, thay vì tiếp tục phải cày ải ở những trận đấu và cả giải đấu vô bổ…
Bầu Đức đã phải mất đến 10 năm để gieo những hạt mầm xanh giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Hàm Rồng. Bây giờ, đã đến lúc HAGL và bóng đá Việt Nam hái quả ngọt.
Nhưng nếu không được chăm bón, không có chế độ chăm sóc khoa học thì coi chừng, chẳng những không được thu hoạch đúng vụ, mà còn mất đi những "hạt giống đỏ" đã mất rất nhiều tiền bạc, thời gian lẫn niềm tin đầu tư.
Muốn giữ lấy đôi chân, muốn có sự phục vụ một tài năng như Nguyễn Tuấn Anh cho tương lai, có lẽ những nhà quản lý bóng đá cần phải "nằm lòng" bài học hay "tấn bi kịch" đã diễn ra với Sebastian Deisler.
Và điều đó sẽ bắt đầu từ HAGL, nơi sở hữu Nguyễn Tuấn Anh và cũng là nơi anh luôn cảm thấy nợ một mối ân tình.
"Các cầu thủ quá tải nên được nghỉ ngơi"
"Không những Tuấn Anh, tất cả các cầu thủ của HAGL khi lên tập trung ĐTQG lẫn U22 Việt Nam trở về đều bị chấn thương hoặc quá tải. Thật khó để nói khi nào họ trở lại bởi điều này còn phụ thuộc vào tâm lý, cơ địa của từng người", HLV của HAGL – Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
"Nếu ra sân chơi được thì tôi sẽ chơi thôi. Trong thời điểm đội khó khăn, HLV và các đồng đội cần tôi thì tôi không thể làm khác được", Tuấn Anh cho biết.