Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế
Tính đến 16 giờ ngày 25.2, Hải Dương có 232 trong tổng số 643 bệnh nhân Covid-19 (hơn 36%) đã được điều trị khỏi và ra viện, nhiều ca bệnh nặng có tiến triển tốt.
Kết quả này là sự cố gắng lớn của đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt là của các y bác sĩ, chuyên gia từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... được Bộ Y tế cử về tăng cường hỗ trợ Hải Dương.
Làm những gì tốt nhất có thể
Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương sáng 25.2, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, đợt dịch này số lượng bệnh nhân của Hải Dương rất lớn, song cũng may là đa số đối tượng mắc là công nhân ở Công ty TNHH Điện tử POYUN (Chí Linh) đang trong độ tuổi lao động, có sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, điểm đáng ngại là có tới 25% số người mắc có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có diễn biến nặng khá nhanh như trường hợp bệnh nhân là lái xe ở Chí Linh, bệnh nhân là công nhân ở Kinh Môn (làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch) hay một bệnh nhân cao tuổi từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chuyển sang.
Để hỗ trợ Hải Dương, Bộ Y tế đã đưa về đội ngũ thầy thuốc và những máy móc tốt nhất phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Theo ông Khoa, Bộ Y tế đã chỉ đạo đội ngũ y bác sĩ điều trị "nắn nót từng chút một, làm được điều gì tốt nhất có thể cho Hải Dương thì làm". Khi cần, có thể tổ chức hội chẩn chuyên môn từ xa với những thầy thuốc giỏi nhất, đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
Ông Khoa dẫn chứng, với ca bệnh nặng ở Kinh Môn đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, ngay khi có diễn biến nguy kịch, các bác sĩ đã tính đến phương án can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân.
Bộ Y tế đã điều ngay cán bộ và máy móc, thiết bị từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ra để làm thêm xét nghiệm hoạt chất trong máu, đánh giá mức độ để có phương án điều trị phù hợp. Một kíp bác sĩ hồi sức nữa từ Bệnh viện Bạch Mai cũng được điều về tăng cường hỗ trợ điều trị.
Trước đó, một kíp khác cũng của bệnh viện này đã hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 2 ngay từ những ngày đầu chống dịch. Tất cả các bác sĩ, máy móc thiết bị đều sẵn sàng để điều trị cho những ca bệnh nặng nhất.
Sau khi được hội chẩn và điều trị tích cực, đến ngày 22.2, bệnh nhân ở Kinh Môn đã có tiến triển tốt, có thể đi lại được và hiện không phải thở máy.
"Trong số các bệnh nhân nặng ở đây chỉ còn 1 bệnh nhân phải lọc máu và thở ô xy. Đây là điều rất đáng mừng", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ, trong đợt chống dịch lần này, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã rút được bài học rất quý trong điều trị.
Đó là tiếp cận bệnh nhân, theo dõi sát và phòng ngừa sớm diễn biến nặng của bệnh bằng cách bù dịch đầy đủ, dùng thuốc chống đông, thuốc chống phản ứng viêm đề phòng các tổn thương dẫn đến tổn thương nặng...
Cách làm này rất thành công vì từ đầu đợt dịch đến nay số bệnh nhân diễn biến nặng lên chiếm tỷ lệ rất ít và thấp hơn so với của thế giới, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong. Bộ Y tế đánh giá cao kết quả này, đánh giá cao sự tích cực chủ động theo dõi bệnh nhân, chủ động phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, tới đây cần tiếp tục theo sát các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị và phát hiện sớm các ca mới mắc trong cộng đồng.
Việc phát hiện sớm ca bệnh có ý nghĩa lớn, vừa để phòng tránh bệnh lây lan ra diện rộng, vừa không để bệnh diễn biến nặng hơn. Nếu phát hiện muộn, để điều trị tại nhà lâu thì nguy cơ diễn biến nặng rất cao, việc điều trị khó khăn hơn, tốn kém hơn.
Không làm gián đoạn điều trị các bệnh nhân khác
Ông Khoa cho biết, ngay khi xuống Hải Dương, ngành y tế cũng chỉ đạo các trung tâm y tế, các cơ sở điều trị trong tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt người mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp...
Đối với bệnh nhân phải lọc máu, yêu cầu xét nghiệm 4 ngày một lần vì nhóm đối tượng này thường ở cùng nhau, có thể sinh hoạt cùng nhau, nên nếu mắc thì nguy cơ lây lan và tử vong cao. Vì vậy tuyệt đối không để cho Covid-19 lây vào các nhóm bệnh nhân này.
Các bệnh viện trong tỉnh phải tuân thủ nghiêm ngặt việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, không để ca bệnh Covid-19 cộng đồng nào xâm nhập vào bệnh viện mà không được phát hiện. Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cần tạo thuận lợi cho việc khám, điều trị cho các bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Bệnh viện tuyến tỉnh phải có kế hoạch, phối hợp với các trung tâm y tế cấp huyện cung ứng thuốc tận nơi cho bệnh nhân mạn tính đang điều trị ở tuyến tỉnh. Các bệnh viện tuyến trung ương cũng phải liên lạc, chỉ định thuốc để tuyến tỉnh cung ứng cho bệnh nhân hoặc kết nối trực tuyến để chỉ đạo, điều trị từ xa.
Trong một hoặc vài ngày tới, các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Trung tâm Y tế Chí Linh có thể được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3. Khi đó, Trung tâm Y tế Chí Linh sẽ được xử lý môi trường, thiết lập lại quy trình khám chữa bệnh để tiếp đón bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh thông thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế đã tham gia nhiều chiến dịch chống Covid-19, từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đến Đà Nẵng và bây giờ là Hải Dương. Đây là năm thứ hai ông đón Tết và đón Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2 trong vùng dịch.