"Làm mất" 53 tỷ đồng, Ban Quản lý quỹ di tích Đồng Kỵ Bắc Ninh hứa sẽ trả nợ?

Tiến Dũng - Văn Giang/VOV.VN |

VOV.VN - Liên quan vụ việc Ban Quản lý quỹ di tích Đồng Kỵ (Bắc Ninh) làm thất thoát 53 tỷ đồng, ông Dương Văn Hòa (Trưởng Ban di tích làng Đồng Kỵ nhiệm kỳ 2018 - 2023) xác nhận đã mượn hơn 48,65 tỷ đồng từ ông Mười. Sau đó, ông Hòa cho bà Ngô Thị Phương D. vay 39,45 tỷ và ông Nguyễn Văn D. vay 6,6 tỷ đồng, đồng thời xin hứa sẽ hoàn trả cả gốc và lãi trong vòng hai năm.

Nguồn gốc số tiền 53 tỷ đồng bị thất thoát

Những ngày qua, người dân phường Đồng Kỵ, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xôn xao trước sự việc quỹ di tích địa phương bị thất thoát hàng chục tỷ đồng. Hiện, UBND TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết đã chỉ đạo Công an TP Từ Sơn và UBND phường Đồng Kỵ kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm những người liên quan trong vụ việc thất thoát quỹ di tích hơn 53 tỷ đồng.

Bên trong cụm di tích đình, chùa làng Đồng Kỵ

Lý giải về nguồn gốc số tiền hơn 57 tỷ đồng trước khi bị thất thoát, đại diện Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ cho biết: Trong khuôn viên cụm di tích của làng Đồng Kỵ có một số cây sưa thuộc loại gỗ quý, giá trị cao.

Trước đây, khi cây sưa bị chết, các cụ trong làng đã xẻ ra, bán thành nhiều đợt. Số tiền bán cây trên đã được để vào quỹ di tích làng, sau đó lập các sổ tiết kiệm ở ngân hàng do Ban quản lý di tích quản lý. Các thành viên thường trực trong Ban bao gồm: Trưởng ban, Tổ trưởng tổ giám sát, Thủ quỹ và Kế toán. Số tiền quỹ sẽ được sử dụng nhằm tu bổ, tôn tạo khu di tích của địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Quyết - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, đơn vị đã có báo cáo sự việc đến UBND TP Từ Sơn và lãnh đạo Công an TP Từ Sơn (Bắc Ninh), đồng thời đã chỉ đạo Ban quản lý di tích tổ chức họp công khai, báo cáo vụ việc trước toàn thể nhân dân và chính quyền.

“Qua nắm bắt một số nguồn thông tin về việc Ban di tích làng Đồng Kỵ có những dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ, UBND phường đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý quỹ tiền công đức, tài trợ của nhân dân phường Đồng Kỵ”- ông Quyết cho biết.

Trụ sở UBND phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn

Theo ông Quyết, hiện nay UBND phường Đồng Kỵ đã yêu cầu đại diện Tổ quản lý di tích (ban di tích làng) cùng ông Dương Văn Hùng - Tổ trưởng tổ giám sát, khẩn trương thực hiện kiểm tra số tiền trong Quỹ do Tổ quản lý di tích quản lý và đồng sở hữu các sổ tiết kiệm.

Ông Hùng cho biết, ngày 27/2 âm lịch vừa qua, Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ đã bầu các vị trí mới gồm: Ông Nguyễn Văn Đản (trưởng ban), ông Nguyễn Khánh Chấn (kế toán), ông Dương Văn Hùng (tổ trưởng tổ giám sát) và ông Dương Văn Mười (thủ quỹ).

Cả bốn người đồng sở hữu tất cả sổ tiết kiệm từ quỹ của dân, trị giá khoảng 57 tỷ đồng. Đây là số tiền người dân Đồng Kỵ bán cây gỗ sưa trong đình và lập ra các sổ tiết kiệm.

Sau đó, Ban quản lý di tích phát hiện những sai phạm trong quản lý quỹ: Sổ chỉ đứng tên một người; chỉ còn lại 2 trong tổng số 17 sổ tiết kiệm, 15 sổ đã mang đi thế chấp.

Thủ quỹ Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ đã thế chấp các sổ tiết kiệm trị giá 53,3 tỷ đồng để vay trên 48,6 tỷ rồi đưa cho người khác mượn, đến nay chưa thể thu hồi được.

Cuộc họp giữa Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ và người dân vào ngày 16.4 để làm rõ nguyên nhân thất thoát quỹ di tích

Hứa thu hồi số tiền quỹ thất thoát

Trong cuộc họp chiều 16/4, ông Dương Văn Mười cho biết, nhiệm kỳ 2021-2023, ông là thủ quỹ, còn ông Dương Văn Hòa là Trưởng Ban di tích làm chủ tài khoản.

"Đầu năm 2021, ông Hòa hỏi vay mấy trăm triệu. Tôi nói đây là tiền của dân không phải tiền của tôi, nhưng ông Hòa nói vay mấy hôm rồi trả. Sau khi trả, ông Hòa lại hỏi vay mấy tỷ để sử dụng việc riêng, vì quá nể ông Hòa là trưởng ban và chủ tài khoản nên tôi đã đưa cho ông Hòa vay"- ông Mười nói.

Giải trình với người dân, ông Dương Văn Hòa (Trưởng Ban di tích làng Đồng Kỵ nhiệm kỳ 2018 - 2023) xác nhận mượn hơn 48,65 tỷ đồng từ ông Mười. Sau đó, ông cho bà Ngô Thị Phương D. vay 39,45 tỷ và ông Nguyễn Văn D. vay 6,6 tỷ đồng.

"Tôi sẽ khắc phục để trả nợ cho dân cả gốc và lãi trong vòng hai năm, không làm thất thoát tiền của dân"- ông Hòa hứa trước người dân Đồng Kỵ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, hiện nay người dân địa phương chưa làm đơn tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng nên những người có liên quan trực tiếp đến việc làm “thất thoát” số tiền trên vẫn đang sinh hoạt bình thường và xin cố gắng khắc phục hoàn trả lại số tiền.

Luật sư nói gì vụ thất thoát 53 tỷ đồng ở Đồng Kỵ?

Liên quan sự việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết, cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác. Do đó cụm di tích Đồng Kỵ là một cơ sở tín ngưỡng.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016: Tài sản của cơ sở tín ngưỡng được hiểu là tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật

Việc quản lý sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng được quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội.

Do vậy, nếu có sự vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng thì tuỳ thuộc vào tính chất mức độ hành vi vi phạm đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng dẫn chiếu quy định tại Điều 6, Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó:

Người nào quản lý tải sản nhưng có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm đ, khoản 2, điều 15)

Đồng thời cá nhân vi phạm có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức có hành vi trộm cắp tài sản gây thiệt hại cho chùa thì mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt cá nhân.

"Trong trường hợp nếu người giao quản lý tài sản của cơ sở tín ngưỡng có hành vi tự ý sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng sai mục đích thì có thể bị xử lý về tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Tham ô là hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân của người có chức vụ, quyền hạn thành tài sản riêng của mình.

Theo đó cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."- ông Bình nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại