Bên cạnh các món thịt đỏ, thịt trắng cung cấp chất dinh dưỡng cho mâm cơm gia đình hàng ngày, có một món nữa cũng từ các loài động vật, được xem là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là nam giới. Đó là lòng lợn.
Bộ phận này của lợn bao gồm lòng non, lòng già, có thể chế biến thành nhiều món ăn, theo nhiều kiểu khác nhau như luộc, chiên rán hay xào. Tuy nhiên, lòng lợn được đánh giá là nơi chứa nhiều ký sinh trùng. Nếu khâu sơ chế, vệ sinh hay chế biến không đảm bảo, khi ăn có thể không sạch, mùi vị không thơm ngon, thậm chí gây ngộ độc cho người ăn.
Chính bởi vậy, thay vì mua lòng đã làm sẵn bên ngoài, nhiều người sẽ lựa chọn tự mua lòng "thô" về nhà rồi tự sơ chế, chế biến. Nếu bạn cũng nằm trong số đó, hãy bỏ túi các công đoạn sau đây. Trong đó có một bước cực quan trọng, giúp lòng sạch thơm, trắng bóc, khi ăn không bị đắng. Cụ thể:
Người dùng khéo léo lộn ngược mặt trong của lòng ra. Sau đó dùng bột mì bóp với muối, rồi rửa sạch trong nước muối. Tiếp đến, dùng chanh chà sát để làm sạch chất bẩn ở mặt trong của lòng. Axit bên trong các các chất vừa sử dụng giúp làm sạch lòng một cách an toàn. Ngoài ra lòng sẽ được khử mùi, có màu trắng tự nhiên.
Một số người có kinh nghiệm khác chỉ thêm một cách làm khác để làm sạch lòng lợn, giúp lòng cũng được trắng thơm. Đó là sử dụng bột ngô. Cách làm:
- Cho lòng vào chậu hoặc nồi lớn, lộn mặt trong của lòng ra ngoài rồi thêm lượng bột ngô thích hợp.
- Dùng bột ngô chà đều để làm sạch lòng, cần đặc biệt lưu ý các khu vực nếp gấp.
- Khi bột ngô bị ướt, nhão thì thay bột ngô mới. Chà cho đến khi lòng sạch thì thôi.
Khi lòng đã được sơ chế sạch sẽ cũng đồng nghĩa với việc lòng đã sẵn sàng được mang đi chế biến theo cách người dùng yêu thích. Ví dụ như luộc lòng, người dùng đun sôi nồi nước trên bếp, rồi cho thêm chút gừng. Công đoạn này sẽ giúp khử mùi một cách triệt để lòng. Luộc khoảng 7-8 phút rồi vớt lòng ra đĩa là được. Có thể cho vào một bát nước đá để lòng thêm trắng, giòn, vắt thêm vài giọt nước cốt chanh vào bát nước đá đó cũng là một cách làm hay.
Còn khi chiên hay xào lòng, lòng lợn sẽ được kết hợp cùng nhiều loại gia vị hay nguyên liệu khác, người dùng có thể tuỳ theo khẩu vị của gia đình để nêm nếm sao cho hợp lý.
Miễn sao thành phẩm món lòng được chín hoàn toàn, không còn sống, cũng không bị quá cháy xém. Có như vậy món ăn mới được ngon, giòn, thơm ngon hấp dẫn. Một số các nguyên liệu, gia vị có thể kết hợp với lòng lợn có thể kể tới như nước mắm, đường, tỏi tắm, hành, ớt, dưa chua...
Lòng lợn đem chiên hoặc xào, kết hợp với nhiều gia vị, nguyên liệu cũng tạo ra những món ăn ngon cho mâm cơm gia đình (Ảnh minh hoạ)
Mẹo chọn mua lòng lợn ngon
Bên cạnh các bước sơ chế và chế biến, để cho ra được thành quả là món lòng lợn ngon chiêu đãi cả gia đình, ngay từ bước chọn mua, người dùng đã phải chọn được một "cỗ lòng" ngon. Dưới đây là một số cách để nhận biết, từ đó chọn mua được lòng lợn tươi ngon từ chợ.
Đầu tiên là kích thước và màu sắc của lòng. Thay vì chọn những phần lòng có kích thước lớn, người mua nên chọn những loại bé hơn, ống ruột căng và tròn, có màu hồng tươi tắn. Chất dịch bên trong lòng phải có màu trắng sữa.
Ngược lại, khi đoạn lòng có đường kính lớn, mỏng, dẹp, đặc biệt là phần bên trong lại màu vàng thì chứng tỏ lòng đã già, không được non. Khi ăn dễ bị dai và đắng.
Thứ 2 đó là về mùi hương. Một cỗ lòng có mùi tanh, thậm chí hôi, gây khó chịu thì chắc chắn sẽ không thể là một cỗ lòng ngon, chất lượng và đảm bảo. Người dùng trước khi mua có thể đưa lên gần mũi để cảm nhận rõ. Mùi chỉ hơi ngai ngái như mùi thịt tươi thì đó là mùi lòng bình thường.
Cuối cùng là sờ thử và cảm nhận đoạn lòng. Đoạn lòng ngon sẽ có sự đàn hồi, độ dẻo dính nhẹ và hoàn toàn không nổi những nốt u, cục như hạt gạo. Nếu thấy các dấu hiệu ngược lại, cần tránh mua.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, do đặc thù của bộ phận này bên trong cơ thể của heo, người mua cần lựa chọn mua ở các cửa hàng, cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh mua phải hàng kém chất lượng, trôi nổi hoặc đã có tác động của hoá chất.