Nhiều năm làm công tác quản lý lĩnh vực GTVT, ông Nguyễn Văn Khiên, Bí thư thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa (nguyên Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, hàng năm, sau khi có thống kê từ cơ quan đăng kiểm, Sở GTVT Thanh Hóa sẽ lập danh sách, thông báo về từng huyện, thị xã để giám sát, quản lý xe hết niên hạn sử dụng. Do vậy, mặc dù chủ xe không kê khai, song cơ quan quản lý vẫn nắm bắt thông tin những xe hết niên hạn trên địa bàn để quản lý.
"Khai sinh thì người ta làm, nhưng xe khai tử thì họ không báo, nhưng giao thông cùng với đăng kiểm sẽ xác định được các xe để quản lý, bởi vì có thông tin thì phối hợp với đơn vị, địa phương quản lý, rồi phối hợp với công an thông qua kiểm soát ngoài đường, lưu hành thì sẽ thuận lợi hơn. Họp thì chúng tôi cũng giao cho Ủy ban, công an thị xã để quản lý những phương tiện này", ông Khiên cho biết.
Đại diện Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, năm 2024, Hà Tĩnh có 75 xe hết niên hạn, trong đó có 40 xe chở khách. Để ngăn ngừa việc lưu hành xe "hết đát" hoặc chủ xe lén lút mang đến các vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cho người đứng đầu ngành GTVT, công an và các huyện, thị xã đôn đốc chủ xe nộp lại đăng ký xe và không lưu hành xe hết niên hạn:
"Hơn ai hết, chỉ có xã phường, rồi chính quyền địa phương đó mới biết được xe đó của chủ nào, đã hết hạn sử dụng chưa. Còn nếu không có những người đó thì cũng không làm được. Chính vì vậy tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp từ huyện đến xã phải vào cuộc, phải yêu cầu kê khai những xe, thứ nhất hết hạn sử dụng, thứ hai hết hạn đăng kiểm phải thực hiện theo đúng quy định. Chính việc làm đó đã tạo cho các xe hết date không cho lưu hành".
Tuy nhiên, nhiều địa phương chủ yếu thực hiện việc ngăn chặn xe "hết đát" lưu hành. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho hay, năm 2024, Hải Dương có khoảng 80 xe hết niên hạn sử dụng. Trên cơ sở danh sách này, Ban ATGT tỉnh sẽ yêu cầu lực lượng CSGT, thanh tra giao thông xử lý nếu phát hiện chủ xe vẫn lưu hành xe hết đát: "Khi các phương tiện hết hạn đăng kiểm, Ban ATGT tỉnh hàng năm sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với TTGT, lực lượng công an và các địa phương ra quân kiểm tra để xử lý xe hết niên hạn sử dụng, đặc biệt xe hết niên hạn nếu có sử dụng đưa đón học sinh thì sẽ xử lý nghiêm. Qua các đượt kiểm tra cơ bản các xe cũng không dám hoạt động, nhưng mình cũng chỉ có thể kiểm tra trên đường thôi", ông Hạnh cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, chủ yếu giao cho lực lượng CSGT tuần tra, xử lý xe quá niên hạn sử dụng: "Hàng tháng bên đăng kiểm đều báo về Ban ATGT và chúng tôi cũng thông báo và đề nghị công an, thanh tra giao thông tăng cường xử lý những xe đó. Những biển số xe hết date đều được công bố công khai".
Thống kê của Công an TP. Hà Nội cho thấy trong 2 năm 2018, 2019, địa phương này thu hồi được 3 xe, trong tổng số 2.100 xe hết niên hạn sử dụng. Còn thống kê của Cục CSGT trong giai đoạn này cũng cho thấy, số xe thu hồi được chỉ đạt dưới 10%.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, con số 10% không phản anh được điều gì, bởi chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chủ xe nộp lại đăng ký, tiêu hủy hoặc đưa phương tiện đến đơn vị có chức năng tiêu hủy các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường: "Xe hết niên hạn sử dụng thì nó không được lưu hành, chứ nó không có ý nghĩa là bắt buộc phải đem đi làm thủ tục thu hồi. Người ta không đi làm thủ tục nộp lại thì cũng có ai phạt không?".
Một số ý kiến cho rằng, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn để tham gia giao thông, song chưa có điều khoản xử lý bắt buộc với xe hết đát phải thu hồi hay tiêu hủy. Bởi đây là một tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tập thể, nếu chủ phương tiện không thực hiện việc thu hồi hay tiêu hủy, thì cũng chưa có quy định nào xử lý.
Bởi vậy, theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cần đẩy mạnh phát triển mạng lưới thu hồi ô tô cũ của các nhà sản xuất, nhập khẩu: "Muốn làm triệt để như các nước khác thì anh phải có hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng. Chỉ có tăng khả năng tái chế, tái sử dụng của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu. Nếu anh không làm được như thế, anh có thể nhờ, trả một số tiền để nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tái chế. Khi phát triển đến một giai đoạn nào đó thì người ta sẽ phát triển hệ thống thu hồi, thu gom".
Theo một số chuyên gia, do Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng sẽ không được phép lưu hành, chứ không có hướng dẫn, nên nếu không có hệ thống và cơ chế hỗ trợ xử lý xe hết đát, thì các địa phương sẽ còn lúng túng trong việc quản lý xe hết đát.