Câu hỏi: Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh HIV sau khi quan hệ tình dục không an toàn với một người đã nhiễm HIV?
Trả lời:
Bác sĩ Annie Luetkemeyer, hiện là phó giáo sư y khoa của Trung tâm y tế UCSF (Mỹ) cho biết trong trường hợp quan hệ tình dục với một người có HIV mà bao cao su bị rách hay tuột, để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post – exposure prophylaxis, PEP).
Toa thuốc điều trị cho PEP giống với loại thuốc đang được sử dụng để điều trị HIV (antiretrovirals, hoặc ARVs) và thường được kê toa 3 loại thuốc kết hợp trong 1 tháng.
Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. ARVs nên được sử dụng ngay càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, lý tưởng nhất là không quá 72 giờ.
Do đó, nếu nghi ngờ bị lây, bạn phải ngay lập tức liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm HIV.
Thực tế, người phơi nhiễm không biết tình trạng bệnh tình của người nhiễm HIV mà mình vừa tiếp xúc, do đó không có đủ thông tin để các bác sỹ đánh giá mức độ rủi ro của việc phơi nhiễm.
Vì vậy, nên đi kiểm tra ngay nếu một người có cảm giác vừa quan hệ tình dục không an toàn với người bị HIV hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như viêm gan B, bệnh lậu, chlamydia, giang mai.
Nhưng trước hết, người phơi nhiễm nên sử dụng điều trị chống phơi nhiễm liều đầu tiên trong khi tiến hành song song với việc xét nghiệm.
Nếu có bạn tình dương tính với HIV hoặc đã từng thực hiện điều trị PEP nhiều hơn một lần, bạn nên cân nhắc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Pre – exposure prophylaxis, PrEP). Đây là một giải pháp làm tăng đáng kể hiệu quả dự phòng, với tỷ lệ thành công vào khoảng 92-96%.
PrEP được biết đến là liệu pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người âm tính bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc.
* Theo HIV.VA.GOV