Dìu cha 63 tuổi tập đi tại nhà, chị Tr.Th.Q.M (quận 10, TP HCM) vẫn hối hận vì đã làm nhiều điều không đúng khi ông bị đột quỵ 2 tháng trước.
"Tôi vào phòng thấy ông đã ngồi gục đầu bất tỉnh. Tìm kiếm trên mạng thấy người ta kêu giật tóc mai, lấy kim châm đầu ngón tay nếu nghi đột quỵ chứ không được di chuyển nạn nhân. Nhưng làm mãi ông không tỉnh…" - chị M. kể.
Gọi ngay cấp cứu
Rất may, cháu của chị M. tình cờ bước vào đã gọi cấp cứu 115. Do nhà ở vị trí thuận lợi nên ít phút sau xe đã đến, cha chị M. đã ngưng tim, ngưng thở do đột quỵ. Hỏi bác sĩ (BS), chị M. biết những gì mình đã làm chỉ khiến "thời gian vàng" bị phí. Chị kể lại câu chuyện vì "mấy "bí kíp" không chính xác đó trên mạng nhiều lắm, sợ người khác cũng dính".
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, khẳng định các phương pháp giật tóc mai, ấn huyệt nhân trung, châm kim vào huyệt thập tuyên (10 đầu ngón tay) trong đông y là để giúp hồi tỉnh người bất tỉnh do trúng phong hay do nguyên nhân tâm lý, không hiệu quả với tai biến tim và não.
"Nếu nghi ngờ đột quỵ trụy tim hoặc nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở thì phải gọi cấp cứu và sơ cứu bằng CPR (viết tắt của "Cardiopulmonary resuscitation", là kỹ thuật hồi sinh tim phổi dùng trong những trường hợp cấp cứu ngưng tim đột ngột)" - ông khuyến cáo.
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Sài Gòn - nơi đặt một trong các trạm cấp cứu vệ tinh 115 của TP HCM, cảnh báo rằng sẽ rất nguy hiểm nếu chia sẻ hoặc áp dụng theo các bí quyết sơ cấp cứu không phải từ nguồn chính thống. Khi nạn nhân đã bất tỉnh, dù là nguyên nhân gì cũng nên gọi cấp cứu.
Nhân viên cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn hướng dẫn thao tác ép tim trong CPR
CPR không khó
Theo các BS, kỹ năng CPR bao gồm 2 động tác là ép tim (ấn tim, ấn ngực) và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) là điều mọi người nên trang bị vì hầu hết các trường hợp ngưng tim, ngưng thở do đuối nước, điện giật, tai biến tim mạch…, nạn nhân chỉ có vài phút "thời gian vàng".
Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, trong vòng 4 phút đầu sau khi ngưng tim, ngưng thở, nếu được đội cấp cứu hỗ trợ hoặc đơn giản là được ai đó ép tim, cơ hội cứu sống nạn nhân lên tới 30%-40%. Quá 4 phút, cơ hội còn dưới 10% và tiếp tục giảm theo thời gian.
Vị trí ép tim là điểm giao nhau giữa đường nối từ xương ức xuống rốn và đường nối giữa 2 đầu ngực. Ép với tốc độ nhanh trên 100 lần/phút, sâu khoảng 5 cm.
Khi thổi ngạt đỡ cằm nạn nhân nhô cao, bịt mũi nạn nhân, áp miệng vào, thổi đủ mạnh để ngực nạn nhân phồng lên. Lưu ý loại bỏ dị vật trong miệng, họng nếu có để đường thở thông suốt và tiến hành CPR trên một mặt phẳng cứng.
Cứ ép tim 30 cái rồi thổi ngạt 2 cái, lặp lại chu kỳ cho tới khi hơi thở, nhịp tim phục hồi hoặc khi đội cấp cứu tới. "Chúng tôi thường thực hiện động tác này ít nhất 20-30 phút trước khi buông tay; với người trẻ, khỏe, có khi còn làm lâu hơn" - BS Huy hướng dẫn.
Nếu bạn ngại ngần việc hà hơi thổi ngạt, có thể áp dụng "Hands-Only CPR", tức chỉ cần ép tim là đủ. Và nếu bạn quá bối rối, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyên rằng chỉ cần nhớ 2 bước đơn giản và tối thiểu: Một là gọi cấp cứu, hai là đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân, ấn nhanh và mạnh.
BS Nguyễn Khắc Vui cho biết lời khuyên "không tự ý di chuyển nạn nhân" áp dụng trong trường hợp nghi ngờ nạn nhân té ngã trước đó, chấn thương cột sống.
Theo hướng dẫn của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), bạn nên nghi ngờ chấn thương cột sống nếu người đó đã liên quan đến một sự cố như ngã từ trên cao hoặc bị đánh trực tiếp vào lưng. Cho dù còn tỉnh, họ cũng không thể di chuyển cổ, lên tiếng về cơn đau dữ dội ở cổ hoặc lưng; cảm thấy yếu, tê hoặc tê liệt; mất kiểm soát tay, chân, bàng quang hoặc ruột. Khi đó, bạn phải gọi cấp cứu và chờ đợi bởi việc di chuyển nạn nhân có thể khiến họ chấn thương lần thứ 2, tủy sống bị chèn ép. Nếu chèn ép ngay cổ, hệ thần kinh tự động điều khiển nhiều cơ quan trọng yếu như tim, phổi… có thể "ngắt mạch" và khiến nạn nhân tử vong lập tức.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ, nhồi máu cơ tim
BS chuyên khoa II nội tim mạch Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Thống Nhất, hướng dẫn các dấu hiệu cơ bản của đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Khi gặp 2 vấn đề này, bằng mọi giá phải chạy đua với "thời gian vàng", đến BV kể cả khi chỉ có dấu hiệu nhẹ:
- Đột quỵ: dấu hiệu nhẹ gồm đau đầu kéo dài, yếu nhẹ một bên tay, chân, méo miệng, nói đớ, nuốt sặc, nhìn mọi vật mờ đi…; dấu hiệu nặng gồm liệt nửa người, rối loạn tri giác, hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn.
- Nhồi máu cơ tim: dấu hiệu nhẹ là cơn đau thắt ngực thoáng qua khi gắng sức hay xúc động (kéo dài vài phút đến 30 phút); nặng là cơn đau thắt ngực kèm mệt, khó thở, ngất, choáng tim, suy hô hấp tuần hoàn.