Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.
Liên quan đến vấn đề trên, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được sự đồng thuận của bạn đọc. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ thẳng thắn: "Với từng đó người rút thì BHXH nên xem lại quỹ thế nào, chính sách ra sao, phù hợp thực tế chưa, tại sao người lao động rút nhiều như vậy".
Theo bạn đọc Phan Hùng, lao động từ 45 trở lên là doanh nghiệp tìm mọi cách cho thôi việc. Tuổi này khi nghỉ việc thì tìm việc lại rất khó và cũng không có doanh nghiệp nào muốn tuyển lao động ở độ tuổi này. Vì vây, để người lao động không rút 1 lần thì BHXH nên nghiên cứu các chính sách phù hợp để người lao động yên tâm tiếp tục đồng hành cùng BHXH.
Một bạn đọc tên Phan chia sẻ: "Vấn đề chính là giảm tuổi nghỉ hưu thôi, nữ 50 tuổi nam 55 tuổi tham gia bảo hiểm đủ 20 năm trở lên thì giải quyết lương hưu cho họ, có vậy thôi mà luật không chịu sửa, cứ vòng vòng hoài, chốt nhanh phương án này thì không còn tình trạng rút BHXH. Bạn đọc Nguyễn Đắc Thời đặt câu hỏi: "Nếu muốn người lao động lãnh lương hưu thì tại sao không giảm tuổi nghỉ hưu mà đi giảm năm đóng bảo hiểm?". Bạn đọc Nguyễn Học phân tích thêm: "Tôi thấy quy định đủ 35 năm công tác và đóng BHXH mới đủ năm công tác và lĩnh 75% lúc về hưu áp dụng cho tất cả các đối tượng là không phù hợp. Với người lao động bình thường, 62 tuổi về hưu thì có thể làm đủ 35 năm, người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại 57 tuổi về hưu thì mấy ai đủ 35 năm công tác. Về hưu sớm do công việc và sức khỏe, thiếu năm công tác lại bị trừ 2%/năm nên lương hưu thấp. Theo tôi, phải điều chỉnh năm công tác đủ 30 năm là phù hợp với người lao động nặng nhọc độc hại chứ không áp dụng chung 35 năm cho tất cả các đối tượng được".
Một bạn đọc tên Khoa góp ý luật không nên khống chế tuổi nhận sổ hưu. "Khi người lao động đủ năm đóng BHXH thì nên giải quyết cho họ, còn thiếu tuổi thì trừ % hưởng."- bạn đọc Khoa này góp ý. Theo một bạn đọc tên Bình, không nên quy định cứng 60 tuổi mà đủ thời gian đóng theo quy định thì được nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít, phải công bằng với người lao động. Còn bạn đọc Đức Long đề xuất: "Nên hạ tuổi nghỉ hưu xuống nam 55, nữ 50 giữ, nguyên năm đóng BHXH là 20 năm, thậm chí 25 năm cũng được, ai nghỉ sớm -%, ai nghỉ đúng tuổi lương sẽ cao hơn". Với bạn đọc tên Tuấn, nên cho NLĐ được tự chọn tuổi nghỉ hưu. Nhà nước chỉ nên quy định số năm tối thiểu đóng BHXH (30 hoặc 35) năm.
Góp ý chi tiết hơn, bạn đọc Nguyễn Phương chia sẻ: "Không nên quy định tuổi nghỉ hưu mà nên quy định năm đóng bảo hiểm xã hội vì tùy theo điều kiện sức khỏe của mỗi người có đảm bảo cho công việc của họ không. Có nhiều người, nhiều nghề tầm 40,45 tuổi là sức khỏe đã suy giảm rồi. Ví dụ như giáo viên chúng tôi mấy chục năm giảng dạy nhiều người bị đau họng mãn tính, mắt yếu,..... chỉ có một bộ phận do họ có điều kiện về kinh tế thì còn thấy trẻ chứ hầu như tầm 50 tuổi là già rồi. Học sinh thì không thích giáo viên lớn tuổi. Theo tôi, người đến tuổi 50-55 có nhu cầu nghỉ hưu thì giải quyết cho nghỉ chứ đợi đến 60 tuổi mới được nghỉ không biết có cầm được số hưu trí không". Một bạn đọc tên Minh đề xuất: "Giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý, người lao động 50 tuổi là hết xí quách rồi, chờ sao nổi 60 mà hưởng lương hưu".
2 phương án rút BHXH một lần
Về quy định hưởng BHXH một lần, trong Dự thảo luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH nêu ra 2 phương án.
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Như vậy, với phương án 2, NLĐ chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền BHXH một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và NLĐ sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu.