Ảnh minh họa: Sébastien Thibault
01
"Thực ra tôi không có ác ý, chỉ là ‘khẩu xà tâm Phật’ mà thôi": Thực ra đằng sau mỗi cái miệng độc đoán, đều là một trái tim cũng độc ác không kém.
Tôi dám khẳng định với bạn rằng, thứ vũ khí gây ra vết thương sâu và khó lành nhất trên đời này chính là lời nói. Những lời khó nghe lúc nào cũng gây ra tổn thương nặng nề hơn bất kỳ nắm đấm hay đao kiếm nào.
"Mày từng này tuổi rồi, còn kén chọn nữa là ế thật đấy."
"Hơn ba mươi còn chưa đẻ, chắc bệnh tật gì rồi."
Những lời đánh giá nói ra nhẹ bẫng, nhưng lại khiến người nghe tổn thương rất nhiều.
Lúc này mà bạn tỏ ra không vui, họ sẽ nói: "Đừng để ý nhé, tôi chỉ là ‘khẩu xà tâm Phật’ thôi, không có ác ý gì đâu", thế là bạn lại phải nuốt ngược cục tức vào trong.
Khi đó mà bạn vẫn ra điều khó chịu thì lại thành ra chuyện bé xé ra to. Không biết từ khi nào, "khẩu xà tâm Phật" đã trở thành cái cớ cho việc ăn nói vô duyên làm tổn thương người khác.
Những người cha người mẹ nói con ngu ngốc đều chưa từng thực sự tìm hiểu con, cũng chưa từng thực sự quan tâm đến việc con đang lớn lên như thế nào, chỉ biết dựa vào thành tích học tập để phê bình con.
Người thầy nói bạn sẽ không vào nổi đại học cũng chưa từng cho bạn cơ hội chứng minh bản thân, chỉ biết nhìn bạn bằng con mắt hạn hẹp đầy thành kiến.
Người đồng nghiệp nói ra nói vào vì bạn chưa kết hôn, chưa sinh con chẳng qua cũng chỉ đang muốn khoe rằng mình đã lấy được người chồng tốt, mỉa mai bạn chẳng ai thèm mà thôi.
Cho nên những người bên ngoài nói mình "khẩu xà tâm Phật", bên trong cũng chẳng mấy tốt đẹp. Bởi vì người thật sự có "tâm Phật" sẽ không nói lời làm tổn thương kẻ khác.
02
Những lời "khẩu xà tâm Phật" luôn có một cái cớ nghe vô lý nhưng rất thuyết phục: "Vì muốn tốt cho bạn."
Phần lớn những người nói chuyện khó nghe luôn có một lý do tốt đẹp: Vì muốn tốt cho bạn.
Hồi nhỏ ba mẹ mắng bạn vì quá yêu bạn, không muốn bạn mắc sai lầm; khi đi học thầy cô nói bạn ngu lâu dốt bền khó đào tạo là vì mong tương lai của bạn sẽ tốt đẹp hơn; lớn lên rồi nhiều người gièm pha bạn chưa kết hôn sinh con là vì muốn tốt cho bạn, hy vọng bạn mau chóng tìm ai đó chăm sóc cho mình.
Tóm lại, những người nói lời gây tổn thương kia luôn có lý do cho mình. Bởi vì muốn tốt cho bạn, nên mới nói chuyện thẳng thắn hơn chút, phê bình nặng lời hơn chút.
Họ cứ vin vào cái cớ muốn tốt cho bạn, không ngừng công kích bạn, thậm chí mỉa mai bạn, sau đó lại nói mình có lòng tốt.
Những người này không thèm quan tâm đến cảm xúc của bạn, dễ dàng buông lời chỉ trích bạn, chẳng qua là vì ích kỷ, không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ.
Đó là bản tính của con người. Con người vốn ích kỷ, làm việc gì cũng nghĩ cho mình trước, nói chuyện cũng là để mình được vui vẻ đã, rồi mới quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Điểm yếu của bản tính con người khiến cho người ta nói chuyện hay làm việc đều ích kỷ, rất khó đặt mình vào vị trí của người khác để cân nhắc vấn đề.
03
Khi bạn thật lòng suy nghĩ cho người khác, điều bạn nói và điều bạn nghĩ sẽ đồng nhất, lời nói ra cũng dễ nghe.
Nếu đã dám nhận mình là người "tâm Phật", thì tại sao cứ phải nói những lời gây tổn thương cho người khác làm gì? Nếu đã không có ác ý thì phiền bạn ăn nói tử tế một chút.
Đầu tiên, hãy nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng biết yêu thương, đồng cảm, suy nghĩ cho người khác.
Chẳng ai phải tiếp xúc với "khẩu xà" rồi lại muốn đi tìm hiểu về cái "tâm Phật" của bạn cả.
Vụng ăn vụng nói không phải lý do để bạn được nói chuyện khó nghe, nếu bạn không thể "nghĩ một đằng nói một nẻo", thì hãy tập cho mình nghĩ nhiều hơn về những điều tốt đẹp.
Trong lòng toàn là thiện ý thì tự nhiên lời nói ra cũng sẽ êm tai.
Thứ hai, hãy liên tục để ý đến sự thay đổi cảm xúc của người nghe, từ đó thay đổi phương thức giao tiếp.
Trong cả công việc và cuộc sống thường ngày, rất nhiều người không biết cách nhìn ánh mắt của người khác.
Sáng ra đồng nghiệp vui vẻ mặc váy mới tới công ty, gặp ngay cái miệng bạn chê bai da người ta đen mặc màu này không hợp.
Rõ ràng sắc mặt người ta đã sa sầm xuống rồi, bạn lại vẫn không ngừng lải nhải. Thế hỏi có khó chịu không?
Khi người ta đã tỏ ra khó chịu với những gì bạn nói thì đừng cố "đâm chọt" thêm nữa. Bạn có thể nói giảm nói tránh xuống, khéo léo nói sang chuyện khác, hoặc là thôi đừng nói nữa.
Cuối cùng, khi bạn đánh giá người khác, hãy thử đứng ở vị trí của người ta và cân nhắc thử xem họ sẽ cảm thấy thế nào.
Nhiều khi người nói vô tình người nghe có ý. Bạn cảm thấy mình không có ác ý gì, nhưng có khi người ta nghe xong lại thấy khó chịu.
Cho nên khi bạn muốn buông lời đánh giá người khác, hãy thử đặt mình vào vị trí của người ta trước đã. Nếu bạn cảm thấy nghe xong mình sẽ khó chịu, buồn bực, thì cũng đừng nói cho người khác nghe.
Tóm lại, những lời độc ác sẽ làm tổn thương người nghe, cũng sẽ vạch trần mặt tối trong tâm hồn bạn. Vì vậy hãy học cách ăn nói tử tế hơn để trở thành một người dễ mến hơn, và giúp cho thế giới này trở nên thân thiện hơn nhé.