Nga hưởng lợi từ xung đột Mỹ-Iran
Cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đang trở thành "chuyện tốt" đối với điện Kremlin. Khi cuộc khủng hoảng Washington-Tehran ngày càng dữ dội, Moskva lại thu về ngày càng nhiều lợi ích và giảm thiểu được vô số thiệt hại.
Nga hiện tại đã thu được lợi ích từ việc Mỹ tiếp tục áp cấm vận đối với dầu mỏ Iran. Các công ty Nga không chỉ nhận được thêm thị phần từ những khách hàng như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Italy, mà Nga còn dần được coi là một nhà cung cấp nhiên liệu uy tín, đáng tin cậy trên thị trường thế giới. Các đối tác của Mỹ, những nước do dự trong việc chấp nhận cấm vận của Washington đối với Iran chắc chắn sẽ cảm thấy chẳng có lí do gì để nói "không" với Nga.
Trên thực tế, những cấm vận mới nhất từ Mỹ đang phản tác dụng. Các quốc gia phương Tây trước đây đã tuân thủ khá nghiêm túc cấm vận với Nga từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine vào năm 2014, một phần bởi vì thỏa thuận hạt nhân Iran đem lại nhiều cơ hội để có giao dịch dầu mỏ và khí ga hơn. Hiện tại, khi Iran bị cấm vận nghiêm ngặt, và mặc cho Mỹ gia tăng sản xuất, thì Nga lại trỗi dậy như một nhà cung cấp lớn của thế giới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bắt tay tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Không chỉ có vậy, việc dầu mỏ Iran không thể xuất khẩu lại là "một mũi tên trúng hai đích": điều này cho phép Moskva tiếp tục hợp tác với Ả Rập Saudi để chi phối thị trường dầu mỏ thế giới, và cùng lúc, cho phép những nhà sản xuất Nga tăng sản lượng bán ra.
Những tranh chấp ở Vịnh Ba Tư còn khiến tuyến đường biển bắc của Nga trở nên hấp dẫn hơn đối với các quốc gia. Hồi tháng trước, tại thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Trung Quốc, ông Putin đã cho thấy tầm quan trọng của tuyến đường biển Bắc Cực đối với sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu.
Tổng thống Nga mô tả đây là "một tuyến đường toàn cầu, kết nối vùng đông bắc, đông và đông nam Châu Á với Châu Âu". Lời mời cộng tác của ông Putin đối với những quốc gia khác sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn trong bối cảnh Trung Đông lại đứng trước nguy cơ chiến tranh.
Việc Mỹ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông cũng đem lại lợi ích chiến lược cho Nga. Khi Mỹ phải dồn sự chú ý tới vùng Vịnh, giải quyết cuộc khủng hoảng đầy bất ổn ở Venezuela, đương đầu với chiến tranh thương mại với Trung Quốc và những biến động nội chính khác, thì Washington sẽ không có nhiều lựa chọn để can thiệp vào kế hoạch của Nga ở khu vực Á-Âu màu mỡ.
Cùng lúc đó, áp lực của Mỹ đối với Iran càng cho thấy Tehran sẽ không bao giờ từ bỏ mối quan hệ với Nga. Tehran đã thường xuyên trao đổi với Moskva và quan hệ đối tác của hai phía dựa trên lợi ích chung nhiều hơn là cùng chia sẻ vai trò "nạn nhân bị Mỹ cấm vận".
Quan hệ Iran và Nga
Sau khi thỏa thuận hạt nhân được kí vào năm 2015 và cấm vận được dỡ bỏ, Iran đã phát đi tín hiệu rằng muốn hợp tác về kinh doanh và thương mại với các nước Châu Âu.
Nhưng cùng lúc, Iran vẫn tiếp tục cộng tác với Moskva để giải quyết vấn đề ở Syria. Để đối phó với cấm vận, và để thu lại những gì đã mất từ trừng phạt của Mỹ, Iran đã buộc phải giảm hợp tác với các thực thể của Nga - đặc biệt những đối tượng bị Mỹ cấm vận - để giảm bớt thiệt hại cho Tehran.
Mặc dù truyền thông vẫn thường cho rằng Nga và Iran là đồng minh, Mosvka không có cam kết quốc phòng nào với Tehran. Vì vậy, Nga không có nghĩa vụ phải phản ứng trong trường hợp Mỹ tấn công các mục tiêu Iran và không chịu trách nhiệm phải mạo hiểm để "vượt lằn ranh đỏ" chỉ vì Iran.
Tất nhiên, Iran là một khách hàng lớn của vũ khí Nga, mặc dù không ai biết liệu một cuộc chiến tranh Mỹ - Iran có phải là cơ hội lớn để tăng cường xuất khẩu vũ khí Nga hay không.
Dù sao, việc Mỹ tăng áp lực lên Iran có thể sẽ khiến Tehran phải "mở hầu bao" để tích lũy thêm nhiều vũ khí Nga, đề phòng trường hợp Washington tấn công.
Hiện tại, xét trên những động thái của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, thì có thể Nga sẽ tận dụng mâu thuẫn Iran - Mỹ để trở thành một nhà hòa giải quốc tế. Cũng như ở Syria, Nga đã tự đặt mình vào vị thế của một nhà hòa giải lớn của khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và có thể có tổng thống Putin tại Sochi vào ngày 14/5. Dù cuộc gặp có diễn ra theo chiều hướng nào đi chăng nữa, thì Nga dường như chắc chắn sẽ thu được nhiều lợi ích từ tất cả những việc xảy ra ở vùng Vịnh.