Phóng viên Báo Quân đội nhân dânđã trao đổi với Đại tá, TS Đào Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động này.
Đại tá, TS Đào Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí khái quát vài nét về tổ chức, hoạt động của trung tâm?
Tiến sĩ Đào Chí Thanh: Chức năng của trung tâm là làm chủ công nghệ cao, xây dựng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong quốc phòng-an ninh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Trong giai đoạn đầu, chúng tôi tập trung nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ mô phỏng điện-điện tử và tự động hóa, chủ yếu là phục vụ cho công tác huấn luyện. Đồng thời đầu tư nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số chủng loại vật tư kỹ thuật, phụ tùng thay thế, sản phẩm ban đầu là một số bảng mạch nguồn.
Nhằm phục vụ huấn luyện, chúng tôi đang tập trung cho các giải pháp mô phỏng ảo và thực tại ảo được xây dựng trên cơ sở một số nền tảng công nghệ.
PV: Mô phỏng bằng công nghệ ảo và thực tại ảo hiện còn khá mới mẻ đối với hoạt động huấn luyện quân sự ở nước ta. Đồng chí hãy chia sẻ rõ hơn về các sản phẩm này của trung tâm?
Tiến sĩ Đào Chí Thanh: Trong chiến tranh hiện đại, với vũ khí công nghệ cao, môi trường để tổ chức huấn luyện thực tế là rất khó khăn, tốn kém và tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn.
Với mô phỏng, điều kiện tổ chức huấn luyện sẽ trở nên linh hoạt không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, môi trường; tiết kiệm chi phí cả về vật tư, công sức, đạn dược, bảo đảm an toàn cao và giảm tác động xấu đến môi trường.
Ngoài những sản phẩm mô phỏng bắn các loại súng, chúng tôi có định hướng đầu tư xây dựng một sở chỉ huy huấn luyện cấp chiến thuật, chiến dịch, kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia quân sự để nghiên cứu và phát triển hay mô phỏng những chủng loại vũ khí đời mới, vũ khí công nghệ cao, tạo môi trường và các tình huống chiến thuật để thử nghiệm và xây dựng các biện pháp phòng tránh đánh trả...
Định hướng nghiên cứu trước mắt của trung tâm sẽ phục vụ cho hai nhiệm vụ: Huấn luyện, khai thác sử dụng các loại trang thiết bị, vũ khí và huấn luyện chiến thuật đầu tiên cho cấp phân đội, tiếp đến cấp chiến thuật, chiến dịch, khi đủ điều kiện có thể cho cấp chiến lược....
PV: Đồng chí hãy giới thiệu một số giải pháp công nghệ mô phỏng mà trung tâm đang thực hiện? Và độ tin cậy ra sao?
Tiến sĩ Đào Chí Thanh: Tháng 10 tới, tại hội thao toàn quân, chúng tôi dự kiến sẽ đưa trưng bày các sản phẩm mô phỏng bắn súng máy phòng không 12,7mm (ứng dụng bắn thẳng mục tiêu mặt đất và nước; bắn mục tiêu trên không sử dụng máy ngắm trên không K-43); mô phỏng huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới cấp phân đội...
Với sản phẩm mô phỏng bắn súng máy phòng không 12,7mm, chúng tôi sẽ sử dụng vũ khí thật gắn thêm hệ thống mô phỏng, bắn vào mục tiêu ảo trong môi trường 3D với các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh giống như thao trường thật.
Sản phẩm mô phỏng huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới cấp chiến thuật được xây dựng trên cơ sở công nghệ ảo, công nghệ 3D, tạo thao trường huấn luyện với các yếu tố địa hình, thảm thực vật, các đối tượng tham gia… Về vũ khí, sẽ mô phỏng từng đường đạn có độ chính xác cao, giống như bắn vũ khí thật.
PV: Vậy một số hướng phát triển tới đây của trung tâm sẽ là gì?
Tiến sĩ Đào Chí Thanh: Trung tâm đang đầu tư từng bước, xây dựng giải pháp mô phỏng huấn luyện chiến thuật để phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ.
Trong khoảng 6 tháng nữa, chúng tôi sẽ cho ra mắt hai sản phẩm: Mô phỏng huấn luyện chiến thuật phục vụ diễn tập cấp tỉnh, thành phố và mô phỏng bắn phương tiện vác vai (IGLA) để bắn các mục tiêu bay thấp bằng công nghệ thực tại ảo. Sản phẩm của chúng tôi được nghiên cứu xây dựng trên yêu cầu thực tế huấn luyện của đơn vị, nghiên cứu, tham khảo giải pháp của nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu đó, yêu cầu đặt ra là cần đầu tư xây dựng nguồn nhân lực tiếp cận khai thác công nghệ tiên tiến trên thế giới; xây dựng cơ sở vật chất (nhà xưởng, trang thiết bị công nghệ hiện đại, chuyển giao công nghệ lõi), tạo cơ chế và phát huy hiệu quả hợp tác giữa các chuyên gia công nghệ và nghệ thuật quân sự.
Đảng ủy, Ban giám đốc Tecapro chỉ đạo, định hướng trung tâm phát triển các sản phẩm trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để sớm đưa vào phục vụ huấn luyện.
Các sản phẩm sẽ phục vụ cho cả lực lượng công an huấn luyện an ninh, đặc nhiệm chống khủng bố cũng như các mục đích KT-XH khác. Đặc biệt, trong giáo dục-đào tạo có thể xây dựng các giáo trình điện tử cho học sinh sử dụng rất hiệu quả các môn học văn hóa, lịch sử.…
PV: Xin cảm ơn đồng chí.