Trường RMIT của Úc đã đưa ra công nghệ làm bê tông kiểu mới từ những chiếc lốp xe cũ - Ảnh: RMIT
Theo các nhà sản xuất lốp Michelin và Bridgestone, mỗi năm trên thế giới có hơn 1 tỉ lốp xe hết tuổi thọ sử dụng thường được đưa vào các bãi chôn lấp. Khi không chôn kịp, “núi lốp xe” hình thành và làm ô nhiễm môi trường.
Trước đây, người ta thường đốt lốp xe cũ. Nhưng điều đó cũng gây hại cho môi trường.
Chôn không kịp, đốt không xong, vậy chỉ còn cách tái chế. Lốp xe đã qua sử dụng thường được cắt nhỏ để sản xuất nhựa đường cùng một số thứ khác.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) ở Úc đã phát hiện ra rằng tỉ lệ 1/5 giữa cao su vụn và bitum tạo ra nhựa đường có tuổi thọ cao gấp đôi so với bitum đơn thuần. Từ đó, họ đã tạo ra bê tông “xịn” từ lốp xe tái chế.
Bê tông lốp tái chế không giống như bê tông nhựa đường (RAC). Loại bê tông đặc biệt này được làm từ vật liệu dạng sợi được hình thành từ việc xử lý lốp xe cũ, kết hợp với xi măng và đá. Trung bình, mỗi chiếc lốp tạo ra khoảng 1kg vật liệu dạng sợi.
Khác với nhựa đường có đặc tính dẻo, bê tông phải có kết cấu bền, rắn để sử dụng được trong xây dựng. Do đó, họ phải xử lý được các bọt khí phát triển xung quanh sợi cao su khi hỗn hợp đông kết và nước bay hơi - vốn có thể làm suy yếu tính toàn vẹn cấu trúc.
Hiện tại, đã có 3 cách để xử lý vấn đề này. Một trong số đó là của Đại học Rice (Texas, Mỹ): sử dụng graphene, hay còn gọi là carbon đen. Các trụ bê tông được gia cố bằng graphene có cường độ nén tốt hơn 30% so với bê tông đơn thuần.
Trộn bê tông bằng cách sử dụng cao su từ lốp tái chế để thay thế hoàn toàn vật liệu thô truyền thống - Ảnh: RMIT
Không chỉ RMIT của Úc, các nhà nghiên cứu Canada tại Đại học British Columbia (UBC) ở Vancouver cũng nghiên cứu phát triển sản phẩm này. Trong một thông cáo báo chí năm 2017, nhà nghiên cứu Obinna Onuaguluchi cho biết quá trình này tạo ra một loại bê tông cao cấp với khả năng đàn hồi và tuổi thọ tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng loại bê tông này để làm bậc thang trong khuôn viên trường và quan sát chất lượng theo thời gian. Kết quả cho thấy bê tông từ lốp xe cũ bền chắc hơn và giảm 90% độ nứt so với bê tông thông thường.
Bê tông lốp xe cũ khi được nhân rộng sẽ làm thay đổi cả ngành xây dựng, công nghiệp ô tô và ngành tái chế - Ảnh: Anthropocene Magazine
Còn quá sớm để nói liệu bê tông lốp tái chế sẽ đắt hơn hay rẻ hơn bê tông thông thường. Nhưng nếu có thể nhân rộng, không chỉ giảm giá thành, giải quyết vấn đề xử lý lốp xe đã qua sử dụng, mà còn giúp giảm xả thải ô nhiễm vào khí quyển.
Nếu ví ngành công nghiệp xi măng là một quốc gia, thì đó sẽ là nước phát thải CO2 lớn thứ ba thế giới với 2,8 tỉ tấn, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, theo The Guardian.