Mảnh đất Lâm Đồng có nguồn tre nứa dồi dào, nhưng quanh năm, người dân chỉ khai thác măng để bán với giá thành không cao. Nhận ra điều này, cùng với đam mê khởi nghiệp và khao khát nghĩ ra một dự án ý nghĩa để bảo vệ môi trường, chàng trai trẻ Nguyễn Lê Trọng Nhân (23 tuổi, quê Lâm Đồng) đã quyết định bắt tay vào khởi nghiệp với các sản phẩm từ tre nứa.
Làm bảo vệ, ăn mì tôm tích góp khởi nghiệp
Những bước đi đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của bất cứ ai cũng đều rất gian nan, Nhân không ngoại lệ. Thời điểm cách đây 3 năm, số vốn Nhân có trong tay chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, là số tiền tích góp được từ tiền học bổng và bán sáo trúc.
Chàng trai trẻ Nguyễn Lê Trọng Nhân.
Ban ngày đi học, tối về Nhân dành thời gian nghiền ngẫm, mày mò cách làm và các loại máy móc để làm ống hút tre - sản phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập đồ dùng bằng tre của chàng trai trẻ. Máy móc, thiết bị là những tài sản đắt tiền, số vốn ít ỏi của Nhân không đủ để mua sắm nên anh chàng lại phải nghĩ cách kiếm tiền, thắt chặt chi tiêu.
Có thời điểm, buổi tối Nhân phải đi làm thêm công việc bảo vệ ở nhà hàng, cả tháng chỉ dám ăn mì tôm, chắt chiu, dành dụm từng chút một cho ý tưởng lớn. “Với mình, khởi nghiệp là một trải nghiệm thú vị. Vì vậy mình muốn tự đi từ những bước đầu tiên mà không nhờ đến sự hỗ trợ của ba mẹ” - chàng trai trẻ nói.
Ống hút nhựa dễ làm bao nhiêu, rẻ tiền bao nhiêu thì ống hút tre lại khó bấy nhiêu, chi phí cũng đội lên rất nhiều. Phải làm sao để ống hút không bị nứt, sản phẩm vừa đẹp lại vừa có độ bền cao, có thể tái sử dụng, tiết kiệm chi phí,... là điều mà Nhân đã trăn trở, nghiên cứu trong vòng gần 1 năm trời mới tìm ra đáp án.
Quê hương của Nhân có nguồn tre nứa dồi dào.
Các sản phẩm làm từ tre nứa được xưởng của Nhân bán ra thị trường.
Cuối năm 2018, những chiếc ống hút tre đầu tiên của Nhân được bán ra thị trường. Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, 9x đã chia sẻ ý tưởng, quy trình sản xuất lên các trang mạng xã hội. Mọi người rất thích thú, hào hứng chào đón các sản phẩm của cậu. Bởi thời điểm đó, các sản phẩm được làm bằng chất liệu tre, nứa không nhiều. Thế nhưng, đến khi hàng hóa được đưa ra thị trường lại khá kén người mua do yếu tố giá thành cao.
Kết quả, Nhân làm ra nhiều sản phẩm nhưng không bán được, lại không có kho bảo quản chuyên dụng nên hàng nghìn chiếc ống hút tre bị mốc, phải đem bỏ. Thất bại đầu đời khiến chàng trai trẻ mất trắng khoảng 100 triệu đồng.
Sai ở đâu đứng lên ở đó! Vừa khởi động đã mất số tiền không nhỏ nhưng Nhân không bỏ cuộc. Nhân tâm sự, cậu luôn có một lời hứa ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp: “Mình không biết dự án này có thành công hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là mình sẽ đi đến cùng. Vì mình hiểu được những giá trị mà dự án mang lại cho môi trường, cho cộng đồng nên rất quyết tâm. Dù có gặp khó khăn như thế nào thì mình cũng không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”.
Đồ dùng từ tre nứa bền, có thể tái sử dụng lại thân thiện với môi trường.
Nguồn nguyên liệu vẫn còn, Nhân tiếp tục thực hiện quy trình sản xuất. Song song với đó, cậu tiếp tục nghiên cứu để tìm các phương pháp bảo quản sản phẩm, tránh mốc, hỏng. May mắn gõ cửa khi cùng lúc đó phong trào tẩy chay rác thải nhựa được ủng hộ, vì thế, sản phẩm của Nhân được nhiều người biết đến hơn. Số lượng sản phẩm bán ra ngày càng tăng.
Doanh thu 300 - 500 triệu đồng/tháng
Từ thành công ban đầu, Nhân tiếp tục cho ra thêm nhiều sản phẩm từ tre như: Bát, đĩa, cốc, chén, bình đựng nước, khay đựng thức ăn, thìa, đũa, dĩa, chậu cây,... Sản phẩm của Nhân có mặt ở nhiều nhà hàng, khu du lịch và trên các sàn thương mại điện tử.
Các công ty ở nước ngoài có văn phòng đại diện ở thị trường Việt Nam cũng biết đến, tìm hiểu và hứng thú với sản phẩm của Nhân. Từ đây, cậu có những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Australia vào năm 2020. Không chỉ phát triển sự nghiệp của bản thân, Nhân còn đau đáu nghĩ cách tạo công ăn việc làm cho người dân quê mình. Đến hiện tại, chàng trai 23 tuổi đã có xưởng sản xuất rộng gần 1.500m2, tạo công ăn việc làm cho 10-20 lao động tùy thời điểm, với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi tháng, xưởng của Nhân cũng cấp từ 30.000 - 50.000 ống hút cùng hàng ngàn sản phẩm khác ra thị trường, mang về doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng.
Mỗi tháng, xưởng sản xuất của Nhân đem về doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng.
Khi mà nhiều bạn trẻ còn đang loay hoay trong công việc, chưa tìm thấy lối đi thực sự phù hợp với bản thân, dễ bị stress vì những áp lực cuộc sống thì Nhân - chàng trai 23 tuổi đã khởi nghiệp thành công.
Nói đôi điều với những người trẻ, Nhân bộc bạch: “Với mình thì tuổi trẻ là một quãng thời gian rất quý giá. Vì vậy mình khuyên các bạn hãy cứ trải nghiệm hết tuổi trẻ của mình đi. Nếu vấp ngã 7 lần thì hãy đứng lên 8 lần. Bất kể một con đường nào cũng nhiều khó khăn, chông gai và thử thách, còn cố gắng hết sức mình là điều mà chúng ta cần làm. Vì tuổi trẻ không bao giờ 2 lần thắm lại, nên hãy trải nghiệm hết khoảng thời gian đáng sống đó”.
Trong thời gian tới, Nhân ấp ủ rất nhiều dự định. Trước tiên là phát triển mạnh hơn nữa kênh bán hàng của mình trên các sàn thương mại điện tử; Tìm hiểu đối tác để khi dịch bệnh ổn định hơn thì có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhân đặt nhiều hy vọng ở thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng đó là châu Âu. Việc Việt Nam và Liên minh châu Âu EU ký Hiệp định EVFTA và IPA khiến Nhân tin tưởng, con đường xuất khẩu các sản phẩm sang châu Âu sẽ thuận lợi và tiềm năng hơn.
Song hành với các sản phẩm từ tre, nứa, Nhân cũng đang nghiên cứu để sản xuất thêm các sản phẩm từ mo cau, lá cây,... tạo nên thật nhiều sản phẩm thay thế nhựa.