Câu chuyện buồn của bà cụ sống cô độc
Một ngày tháng chạp cách đây nhiều năm, tôi cùng bạn lên một vùng núi để ngắm tuyết rơi. Khi đi qua một ngôi làng, chúng tôi nhìn thấy một bà cụ ngồi thẫn thờ bên một gốc cây hạnh nhân già.
Mái tóc cụ đã bạc trắng, chẳng khác gì màu của những cánh tuyết đang bay lả tả xuống đường. Những nếp nhăn trên gương mặt cụ dường như cũng đang đông cứng lại, cảm giác lạnh toát.
Ánh mắt bà cụ tập trung hoàn toàn nơi những đứa trẻ đang nô đùa ở nơi xa. Nhìn những đứa trẻ cười vui vẻ chơi đùa cùng bố mẹ, bà nở nụ cười vô tư hệt như một đứa trẻ.
Quan sát hồi lâu, bà cụ cố đứng dậy nhưng đôi chân dường như nặng nề quá, bà lại ngã sụp xuống chỗ mình vừa ngồi. Miệng bà cụ lẩm bẩm: Tội nghiệt, tội nghiệt...
Khi đó, tôi không hiểu từ "tội nghiệt" nghĩa là gì, nên quay sang hỏi chuyện về bà cụ.
Thì ra bà cụ năm nay 81 tuổi, là người có tuổi trong thôn. Bà sinh được hai con trai, một con gái, người con lớn cũng đã đến tuổi làm ông.
Ở tuổi này, lẽ ra cụ đã được hưởng những năm tháng cuối đời viên mãn bên con cháu nhưng sau nhiều biến cố, bà cụ phải sống cô độc một mình.
Ảnh minh họa.
Con trai lớn của cụ năm ngoài 40 tuổi vì đánh bạc mà gây họa, khiến một người chết, một người bị thương nên phải đi tù, sau phải lấy mạng trả mạng. Con dâu cả vì đau lòng tuyệt vọng, sinh bệnh rồi cũng qua đời.
Người con trai thứ hai của bà cụ khá hơn một chút. Sau khi lấy vợ, người này đến nơi xa làm ăn.
Việc làm ăn đã từng rất thuận lợi nhưng không ngờ sau đó, người này đổ đốn theo đám bạn xấu chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, cuối cùng bị lừa, nợ nần khắp nơi.
Tài sản nhà cửa phải bán hết vẫn không hết nợ. Hôn nhân cũng vì việc này mà tan vỡ, con cái theo mẹ chúng tha hương. Cảm thấy mất mặt, anh ta cũng chẳng dám trở về quê hương.
Người con gái út từng là chỗ dựa của mẹ. Cô đã luôn bên mẹ trong những ngày khó khăn nhất nhưng về sau, bất chấp lời khuyên can của mọi người, cô lấy một kẻ vô nghề nghiệp.
Hai người dắt díu nhau lang bạt khắp nơi song điều đáng nói là anh ta không dành tình yêu cho cô. Hôn nhân bất hạnh đè nặng lên tâm trạng người con gái út.
Hồi đầu, thỉnh thoảng cô còn về thăm mẹ nhưng về sau, cuộc sống khó khăn khiến cô mất đi khả năng báo hiếu cho mẹ già.
Khi nghe xong câu chuyện của bà cụ, tôi không khỏi xót xa, cảm thấy thật thê lương.
Nhiều năm sau, bà cụ cũng qua đời, trở về với đất mẹ nhưng người trong làng đều biết, bà ra đi mang theo một điều tiếc nuối vô bờ bến.
Tiếc nuối khi nhớ đến những đứa con ngày thơ bé quẩn quanh chân mẹ cười đùa, đáng yêu, nói rằng sau này lớn lên sẽ báo hiếu mẹ, nói rằng sẽ kiếm thật nhiều tiền xây nhà và mua sắm cho mẹ những đồ dùng tiện nghi, cho mẹ một tuổi già an nhàn.
Nhưng cuối cùng thì sao?
Họ không có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình, càng lúc càng lún sâu xuống vực thẳm tội ác, càng lúc càng đẩy vận mệnh vào khổ nạn. Mà khổ nạn này không chỉ họ phải chịu mà liên đới đến cả bố mẹ.
Đến cuộc đời mình còn không kham nổi, làm sao có thể lo được cho bố mẹ đây?
Ảnh minh họa.
Lời bình
Đến cuộc đời của chính mình còn không tự chịu trách nhiệm, thử hỏi chúng ta lấy gì để hiếu thuận với cha mẹ? Câu nói ngày nghe có vẻ rất gay gắt song suy nghĩ kỹ, thật chẳng sai chút nào.
Hàng ngàn năm nay, thế nhân luôn nói phải làm thế nào để báo hiếu cha mẹ nhưng suy cho cùng, phải làm thế nào mới được xem là đúng?
Có ý kiến cho rằng, so với tiền bạc, thì thứ bố mẹ cần hơn cả là thái độ của con cái dành cho họ. Nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng, cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất chính là sống có trách nhiệm với chính cuộc đời mình.
Chỉ có những người sống có trách nhiệm với chính mình mới có thể có trách nhiệm với cha mẹ, với người khác. Chỉ có những người biết cách làm cho cuộc sống của mình thuận buồm xuôi gió, hạnh phúc mới thừa ra khả năng và tình yêu để quan tâm chăm lo được cho người khác.
Cha mẹ bao đời nay hầu như không đòi hỏi ở con cái cao lương mỹ vị, thứ họ muốn được thấy nhất chính là con cái được bình an hạnh phúc. Cuộc sống của bạn có êm ấm, năm tháng về già của bậc sinh thành càng yên bình mãn nguyện.