Ngày 3/6 vừa qua, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket.
Ngày 10/7 tới, 4,8 triệu cổ phiếu Miliket sẽ được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán CMN.
Giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 25.800 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của CMN khá cô đặc khi 4 cổ đông lớn đã nắm giữ trên 80,5% vốn điều lệ. Trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam nắm giữ 30,72%, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và Công ty TNHH TM&DV Mesa mỗi bên nắm trên 20%.
Cổ đông lớn cá nhân duy nhất của Miliket là ông Trịnh Việt Dũng – thành viên HĐQT - với 9,71%. Hiện công ty không có nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần.
Thị trường mì tôm đã bão hòa
Colusa Miliket từng “vô địch” thị trường mì tôm Việt vào những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước, khi người người nhà nhà đều quen thuộc với hình ảnh bao bì hai con tôm nhưng đến nay với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều thương hiệu khác nhau, hình ảnh và cả thương hiệu mì tôm này đều trở nên vắng bóng hơn trong bếp ăn của người Việt.
Sự tràn ngập của các nhãn hiệu khác cả trong và ngoài nước khiến việc kinh doanh của Miliket trở nên ngày càng khó khăn, thể hiện rất rõ ràng qua những con số tài chính của doanh nghiệp.
Trong 5 năm qua, chỉ có năm 2015 lợi nhuận tăng trưởng dương, tuy nhiên không đến từ doanh thu mà do công ty cắt giảm bớt chi phí bán hàng.
Thị trường mì tôm càng trở nên bão hòa hơn. Ngay cả ông lớn KIDO, từng từ bỏ mảng bánh kẹo và quyết tâm nhảy vào ngành mì gói với tham vọng làm bá chủ ngành thực phẩm Việt, song đến nay, nhận thức được việc thị trường mì gói dần bão hòa và đang dần đi xuống, KIDO đã phải tạm dừng lại và điều chỉnh chiến lược đầu tư sang những mảng kinh doanh khác mang lại lợi tức ổn định hơn.
Xác định rõ chiến lược, công ty này khẳng định sẽ quay lại thị trường mì gói khi đã có sự hợp tác với đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, đối với Colusa – Miliket, công ty sản xuất chủ yếu sản phẩm mì, phở, cháo đóng gói. Miliket cũng không hề có bất cứ công ty con hoặc công ty liên kết nào.
Báo cáo những năm vừa qua của Miliket luôn lặp đi lặp lại cụm từ “khó khăn”, “hoạt động không hiệu quả”... Mặc dù đã có những chính sách kích cầu song những động thái này dường như là chưa đủ với thị trường có quá nhiều đối thủ mạnh như Masan, Acecook, Uniben...
Theo báo cáo của Miliket, thị phần của công ty trong ngành tính đến năm 2016 chỉ chiếm khoảng 4%. Trong khi đó, Acecook chiếm 40%, Asiafood và Masan mỗi bên chiếm 15%.
Lấy gì hút tiền của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán?
Kết quả kinh doanh không có yếu tố đột phá, chiến lược kinh doanh chưa có sự đổi mới trong tình thế cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp mạnh, vậy điều gì sẽ khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu CMN với mức giá 25.800 đồng/cổ phiếu.
Thứ hấp dẫn nhất có thể nhìn thấy hiện tại là mức cổ tức khá tốt của Miliket.
Mặc dù công việc làm ăn khá khó khăn, song Miliket vẫn chăm chỉ chia cổ tức đều đều cho cổ đông bằng tiền mặt trong mấy năm qua với tỷ lệ trên 25%.
Thêm vào đó, mặc dù nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán tính đến thời điểm 31/3/2017 là hơn 64 tỷ đồng, tuy nhiên công ty không hề có bất cứ khoản nợ ngân hàng nào cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Năm 2017, công ty lên mục tiêu đạt được 28 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quý I năm nay, Miliket lãi trước thuế hơn 6,1 tỷ đồng, nếu nỗ lực ở những quý tiếp theo, khả năng hoàn thành kế hoạch năm là có thể.