Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, vụ quýt Tết 2021, toàn huyện chỉ cung ứng khoảng 4.000 tấn quýt hồng ra thị trường, giảm rất nhiều so với các năm trước.
Quýt gần thu hoạch rụng nhiều
Thời gian qua, huyện Lai Vung và ngành nông nghiệp tỉnh, các viện, trường, chuyên gia đã tích cực hỗ trợ nông dân tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi và giải pháp khôi phục diện tích sản xuất quýt hồng.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan và các nhà khoa học triển khai xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh này; đến nay, các mô hình thí điểm đã sang năm thứ 3, bước đầu có tín hiệu tích cực. Song, cây quýt hồng vẫn chưa thể trở lại thời hoàng kim trước đây.
Đến thủ phủ quýt hồng Lai Vung những ngày này, không khí rất trầm lắng. Vườn quýt hồng của ông Trần Hữu Hớn (xã Long Hậu) bị ảnh hưởng dịch bệnh nên năng suất giảm mạnh, dự kiến chỉ còn khoảng 10 tấn cho vụ Tết.
Vì khan hiếm nên giá quýt hồng hiện được thương lái đến chào hàng mua khoảng 70.000 -75.000 đồng/kg. Song, quýt Tết đang bị ruồi vàng chích hút khiến trái rụng nhiều.
Nông dân Lai Vung chuẩn bị quýt Tết trong lo lắng
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất quýt cung cấp cho thị trường Tết, ông Nguyễn Văn Sữa (xã Long Hậu) rất lo lắng vì vườn quýt hồng đối diện với nguy cơ suy kiệt từng ngày. Qua khuyến cáo của nhiều chuyên gia, ông Sữa đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
"Tình trạng này cứ tiếp diễn thì tôi không biết phải cứu vãn cách nào. Tôi cũng giống như nhiều hộ trồng quýt hồng khác, rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các ngành liên quan" - ông Sữa nói.
Quýt chậu ế hàng
Năm nào cũng vậy, bên cạnh quýt trái, nông dân Lai Vung còn chuẩn bị một lượng khá lớn quýt hồng trồng chậu để bán Tết. Ông Lưu Văn Khiêm, thành viên tổ hợp tác xã Vĩnh Thới - một trong những nông dân trồng quýt chậu nhiều năm nay, đang lo vì đến thời điểm này tiêu thụ quá chậm, rất ít đơn vị, doanh nghiệp đặt mua dù giá cả chỉ tương đương năm ngoái.
"Quýt chậu của vườn nhà tôi giá thấp nhất là 1,8 triệu đồng/cây, cao nhất là 5 triệu đồng/cây. Mặc dù thương lái có phần chậm đặt hàng nhưng tôi vẫn tập trung chăm sóc để cây có dáng đẹp, trái căng tròn, màu đẹp và vừa chín ngay dịp Tết" - ông Khiêm chia sẻ.
Cách nhà ông Khiêm không xa là hộ ông Hà Thanh Hồng cũng đang vào cao điểm chăm sóc quýt hồng trồng chậu. Vườn của gia đình ông Hồng hiện có 300 chậu quýt hồng.
"Thông lệ hằng năm, thời điểm này phần lớn cây trong vườn đã được đặt hàng nhưng năm nay thương lái, doanh nghiệp chỉ mới đặt mua vài chục chậu. Hy vọng vài ngày tới tình hình sẽ khá hơn" - ông Hồng nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết những năm gần đây, phục vụ nhu cầu biếu tặng các mặt hàng nông sản độc, lạ quýt hồng trồng chậu rất được khách hàng ưa chuộng, đã góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương và mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà vườn.
Vì vậy, huyện đã khuyến khích nông dân phát triển và có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho các hộ trồng để góp phần nâng cao hiệu quả thương hiệu quýt hồng Lai Vung.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, thị trường tiêu thụ của quýt trồng chậu Lai Vung chủ yếu ở TP HCM, Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc. Cây quýt hồng lên chậu chưng Tết thường có chiều cao từ 1-1,5 m, cho nhiều trái to, vị ngọt như quýt trồng bình thường.
Để có được những cây quýt hồng lên chậu đạt yêu cầu, nhà vườn phải bỏ ra thời gian khoảng 2 năm chuẩn bị cây giống bảo đảm chất lượng đồng thời nghiên cứu chăm sóc để cây cho trái vào đúng dịp Tết.