Sau khi khoảng 300 lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được triển khai tới Na Uy năm ngoái — đánh dấu lần đầu tiên nước này có quân đội nước ngoài trú đóng bên trong biên giới kể từ Thế chiến II - Oslo đã tuyên bố họ có kế hoạch mời hơn gấp đôi số lượng lính Mỹ vào lãnh thổ.
Động thái này có thể sẽ khiến Nga chỉ trích – nước có chung biên giới với Na Uy và coi quân đội Mỹ là một mối đe dọa.
Quyết định của Na Uy được xem là một nỗ lực nhằm ngăn chặn mọi hành động leo thang có thể đến từ Moscow – nước láng giềng lớn hơn của Oslo. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chỉ được dự kiến ở lại Na Uy cho đến cuối năm nay, nhưng hiện tại, nước này đang muốn tăng sự hiện diện quân sự của Washington tại đây sau năm 2019. Quân đội Mỹ sẽ được yêu cầu ở lại ít nhất năm năm sau đó, theo các tài liệu, và dự kiến sẽ được gửi tới các vùng biên giới Na Uy tiếp giáp với Nga.
Các nước láng giềng của Moscow, như Na Uy, Thụy Điển, Estonia, Latvia và Lithuania, đều bày tỏ lo ngại về sức mạnh gia tăng của Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và sự ủng hộ của Moscow đối với lực lượng li khai ở miền Đông Ukraine.
Na Uy là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và do đó được bảo vệ khỏi bất kỳ cuộc tấn công từ lực lượng nước ngoài nào theo Điều 5 của liên minh về phòng vệ tập thể. Tuy nhiên, nhiều thông tin chỉ ra rằng, chính phủ nước này đã lo ngại kể từ khi Tổng thống Donald Trump năm ngoái từng nói rằng Mỹ sẽ xem xét nghĩa vụ bảo vệ đồng minh NATO khi đang có sự không công bằng trong việc đóng góp cho liên minh này.
Theo nhiều nhà phân tích, việc Na Uy mời thêm nhiều lính Mỹ vào nước này là để đảm bảo sự tham gia của NATO nếu một cuộc đối đầu quân sự diễn ra.
Na Uy và Mỹ đều đã nói rằng Thủy quân lục chiến đóng quân tại quốc gia này để thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong điều kiện thời tiết đóng băng. Hiện tại chưa có kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn của Mỹ tại nước này.
Tuy nhiên, các thành viên của phe đối lập chính trị Na Uy đã bày tỏ một số lo ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia của họ. Năm ngoái, phe đối lập đã đặt câu hỏi cho chính phủ rằng, nếu việc sử dụng thủy quân lục chiến Mỹ là để bù đắp cho những điểm yếu trong năng lực phòng thủ của Na Uy thì tự nước này có thể giải quyết bằng việc đầu tư nhiều hơn. Quân đội Na Uy được cho là đang thiếu nhân sự.