Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới

Karry Trần |

Cánh cửa trên căn phòng bí mật ở Lạc Sơn Đại Phật có nguồn gốc từ đâu?

Vị trí tảng đá trên ngực tượng Phật (Nguồn: Sohu)

Vị trí tảng đá trên ngực tượng Phật (Nguồn: Sohu)

Trong bài viết trước, chúng ta đã biết về căn phòng bí mật ở trên ngực của bức tượng Lạc Sơn Đại Phật. Việc phát hiện ra căn phòng giúp chúng ta chứng thực được sự thật về câu chuyện lưu truyền trong dân gian về căn phòng ẩn giấu kho báu trên ngực bức tượng.

Kỳ thực, không có một kho báu nào cả, đó chỉ là một hang động với một vài đồ vật và phế liệu từ quá trình xây dựng và tu sửa. Nhưng vẫn còn nhiều điều bất thường từ đó. Và chính những sự bất thường này đưa các chuyên gia đến một sự thật thú vị đằng sau kiến trúc của Lạc Sơn Đại Phật mà chúng ta thấy ngày nay.

Tảng đá ở cửa hang là điểm khởi đầu cho những nghi vấn

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Cận cảnh hình thù tảng đá. Nguồn: Sohu


Sau lần khảo sát đầu tiên năm 1962, các chuyên gia luôn chú ý tới tảng đá được dùng làm cửa giúp đóng chặt căn phòng. Đó không phải là một tảng đá thông thường, bên trên có khắc dòng chữ: “Trùng tu Thiên Ninh Các ký”.

Vậy thì Thiên Ninh Các ở đây là chỉ cái gì? Và “trùng tu” nghĩa là sao?

Trong bài thơ “Lăng Vân Tự” của nhà thơ Tiết Năng cuối thời Đường, có nhắc tới “Tượng Các dữ sơn tề - Hà nhân trí thạch thê?” (Tượng Các cùng với núi/ Ai đã dựng nên bậc thang đá). Đây là những manh mối đầu tiên mà các chuyên gia lần tìm được.

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 2.

(Nguồn: QQ)

Phát hiện của ngành Khảo cổ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Di sản và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên Cao Đại Luân cho biết: "Năm 2013 là năm kỷ niệm 1300 năm công trình Lạc Sơn Đại Phật được khởi công, nhằm mục đích bảo tồn và sử dụng một cách hiệu quả, cũng như hiểu được những giá trị toàn diện về mặt văn hóa của công trình, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2013, nhóm các chuyên gia khảo cổ, chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ, hang đá… đã tận dụng hết các công cụ tiên tiến nhất như flycam, công nghệ quét ảnh 3D, tiến hành khảo sát trên quy mô lớn toàn bộ công trình, đã thu hoạch được nhiều phát hiện mới mang tính đột phá, được thể hiện trong “Báo cáo điều tra di chỉ Đại Tượng Các”.

Bằng thao tác phỏng dựng Lạc Sơn Đại Phật trên mô hình 2D và 3D, không khó để phát hiện sự cân xứng của các lỗ (hang) hình vuông (có cả tròn) trên vách đá hai bên tay tượng Phật. Các “lỗ” và “hang” này có đường kính khoảng 0,5 – 1 m, phân bố đối xứng chủ yếu ở hai bên vách đá bên cạnh vai, ngực, chân của bức tượng.

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 3.

(Nguồn: QQ)


Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 4.

Các “lỗ”, “hang” trên vách đá (Nguồn: QQ)

Thông qua việc chọn lựa và phân tích các đồ vật còn sót lại trong các hang trên vách đá này, các chuyên gia phát hiện đây là các mảnh vỡ của bình sứ, mái ngói thời Đường – Tống và số lượng lớn các mảnh vỡ sứ lưu ly màu xanh, màu vàng của thời Minh, chứng tỏ Đại Tượng Các đã từng tồn tại ở thời Đường – Tống, lần cuối cùng bị phá hủy có lẽ là vào thời Minh.

Ngoài ra, còn phát hiện các hang có dấu vết của sự kết hợp giữa hai kiểu hình: Cửa hang hình vuông và hình tròn, cho thấy Đại Tượng Các có thể đã nhiều lần được tu sửa, cải tạo.

Lời giải đáp từ các tư liệu lịch sử

Theo ghi chép của các tư liệu lịch sử và đánh giá của các chuyên gia, những “lỗ” và “hang” này dấu tích của một công trình bảo vệ Lạc Sơn Đại Phật, hay nói cách khác nó chính là “nơi ở” của bức tượng.

Nơi này trải qua các triều đại khác nhau sẽ có những tên khác nhau, thời Đường được gọi là “Tượng Các”, thời Bắc Tống gọi là “Lăng Vân Các”, Nam Tống “Thiên Ninh Các”, đến thời Minh trở thành “Đại Tượng Các” hay “Đại Phật Các”. Người đời sau gọi chung thành Đại Tượng Các.

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 5.

Đại Tượng Các trong bức “Trường Giang Vạn Lý Đồ” (Nguồn QQ)


Vậy thì Đại Tượng Các đã được xây dựng như thế nào? Ai xây dựng? Và ai đã phá hủy nó?

Ai là người đã xây dựng Đại Tượng Các?

Điều này đã được một người ghi chép rất rõ ràng, là Tiết độ sứ Vi Cao. Vi Cao (746 – 804), tên tự là Thành Vũ, là người Kinh Triệu Vạn Niên (hiện nay là Tây An). Ông là một người rất sùng bái đạo Phật, làm quan Tiết độ sứ dưới thời vua Đường Đức Tông Lý Tạo (746 – 806) ở đất Thục (Thành Đô – Tứ Xuyên ngày nay) trong 21 năm, hưởng thọ 61 tuổi. Ông đã lấy toàn bộ tiền bổng lộc của mình trong vòng 14 năm (789 – 803) để hoàn thành Lạc Sơn Đại Phật.

Sau khi công trình được xây dựng xong, Vi Cao viết “Gia Châu Lăng Vân Tự Đại Di Lặc Thạch Tượng Ký”, theo như việc “Viên kỷ bản mạt, dụng chiêu quyết công” (Vào thời kỳ cuối, dùng công sức đó), có ghi “Hoặc đan thái dĩ chương chi, hoặc kim bảo dĩ nghiêm chi” (Dùng màu đỏ rực rỡ để viết nên trang sách ấy, dùng vàng bạc để tỏ lòng tôn kính ấy).

Tác phẩm “Lạc Sơn huyện chí” thời Gia Khánh nhà Thanh cũng có ghi “Đại Tượng Các, Đường Vi Cao kiến”, chỉ Vi Cao là người góp công xây dựng Đại Tượng Các.

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 7.

Mô hình Đại Tượng Các trong Viện bảo tàng (Nguồn: QQ)


Vậy Đại Tượng Các có hình dáng như thế nào? Khi thăm quan bảo tàng Lạc Sơn Đại Phật, mọi người có thể thấy mô hình 7 tầng 2 mái của nó. Bảo tàng cũng trưng bày bức tranh từ thời Minh, mô phỏng lại “Trường Giang Vạn Lý Đồ” của Hạ Khuê thời Tống, trong đó cho thấy Đại Tượng Các được xây bao lấy bức tượng từ đầu tới chân, cao khoảng 90 m (bức tượng cao 71 m).

Lại thêm một bí mật nữa được giải đáp từ căn phòng bí mật trên ngực tượng Lạc Sơn Đại Phật - Tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới - Ảnh 8.

Mô hình phỏng dựng Đại Tượng Các bao quanh che kín Lạc Sơn Đại Phật (Nguồn: QQ)

Sự biến mất của Đại Tượng Các

Về thời điểm chính xác Đại Tượng Các bị phá hủy, có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong “Lạc Sơn huyện chí” có nhắc đến Đại Tượng Các bị đốt phá vào khoảng cuối thời Tống và đầu thời Nguyên. Từ bối cảnh thời đại và các trước tác trong thời kỳ này, các chuyên gia đều đồng tình rằng công trình bị phá hủy giai đoạn chuyển giao triều đại Tống và Nguyên.

Ngày nay, tại khu vực núi Lăng Vân, Ô Vưu, Tam Quy vẫn còn những dấu tích của thời kỳ chống Nguyên, trận hỏa hoạn trên núi Tam Quy và Lăng Sơn chắc chắn có lan tới khu vực Đại Tượng Các. Do loại vật liệu chủ yếu để xây dựng Đại Tượng Các là gỗ, chỉ trong một lần hỏa hoạn cũng có thể thiêu rụi hoàn toàn.

Vậy liệu Đại Tượng Các có được xây dựng lại không? Câu trả lời của các chuyên gia là không vì chưa có một chứng cứ nào đủ thuyết phục để khẳng định điều này.

Tại sao tảng đá lại nằm trên ngực tượng Phật?

Theo Đường Phi, Phó Viện trưởng Viện Di sản và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, thời điểm xây dựng Đại Tượng Các, phải dùng đến một thanh xà ngang trực tiếp đâm sâu vào bức tượng, do đó mà sau khi bị cháy thì còn sót lại một căn phòng (hang động) như ngày nay.

Còn tảng đá thực chất chỉ là được nêm tạm bợ vào bức tượng trong quá trình sửa chữa ở những đời sau. Trải qua mưa gió bão bùng, tảng đã gắn chặt vào bức tượng, trở thành một phần của nó, cũng không ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp của bức tượng.

Lời kết

Từ một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, bằng tri thức khoa học hiện đại và những cứ liệu lịch sử, các chuyên gia đã phát hiện ra vô vàn những sự thật xoay quanh bức tượng Phật ngàn năm của Trung Quốc.

Đó chỉ là một câu chuyện, còn những câu chuyện khác thì sao, biết đâu trong tương lai sẽ còn có thêm nhiều bí ẩn khác nữa?

Nguồn tham khảo: Sohu, QQ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại