Lãi suất tăng vọt, tỷ phú 'buôn sắt vụn' và đế chế hàng hóa khổng lồ ôm khoản nợ 7 tỷ USD

Lục Lam |

2020 đã mang đến một loạt thách thức mới cho tỷ phú Anil Agarwal. Khi đại dịch khiến giá hàng hóa lao dốc, giá dầu rơi xuống mức 0, công ty nghiên cứu CreditSights cho rằng trái phiếu của Vedanta Resources có thể có giá trị bằng 0 trong trường hợp vỡ nợ.

Từ người buôn phế liệu, Anil Agarwal đã trở thành "ông trùm" ngành hàng hóa với đế chế khai khoáng và kim loại Vedanta Resources, nhờ những thương vụ thâu tóm đầy táo bạo cùng nhiều khoản nợ.

Năm 1970, ông bắt đầu sự nghiệp với việc thu gom cáp bỏ đi của các công ty khắp Ấn Độ, sau đó bán lại ở Mumbai để lấy tiền chênh lệch. Năm 1976, Agarwal mua lại công ty kim loại đầu tiên và bước vào lĩnh vực sản xuất vào những năm 1980.

Những thách thức của vị tỷ phú từng buôn phế liệu

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh được ông áp dụng hàng thập kỷ hiện đang gặp khó khăn khi chi phí đi vay tăng trở lại. Yếu tố này tạo thách thức cho nỗ lực mua lại một "viên ngọc" trong chính đế chế của mình.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Vedanta của ông đã cho thấy thách thức với những "chúa chổm" ở Ấn Độ và trên thế giới, khi lãi suất tăng từ mức thấp trong lịch sử.

Mối rủi ro với Agarwal đang ở mức cao. Ông hiện nắm giữ khoản nợ khoảng 7 tỷ USD và đứng trước một thị trường trái phiếu kém hấp dẫn hơn nhiều so với hồi đầu năm 2020. Trong khi đó, việc giành được quyền kiểm soát bảng cân đối kế toán có lượng tiền mặt lớn của Vedanta sẽ giúp Agarwal - chủ tịch của công ty, giải quyết được vấn đề trên.

Tuy nhiên, các cổ đông của Vedanta đã từ chối lời đề nghị mua cổ phần từ Agarwal. Hiện tại, cổ phiếu công ty này đang giao dịch ở mức cao hơn 40% so với lời đề nghị sau với khoảng 1/10 cổ phần của công ty.

Cổ phiếu Vedanta đang giao dịch quanh mức 226 rupee, trong khi mức đề xuất của Agarwal là 160 rupee. Theo đó, rất có thể ông sẽ phải điều chỉnh các điều khoản để có được thỏa thuận.

Shriram Subramanian – giám đốc điều hành và nhà sáng lập của công ty tư vấn InGovern Research Services Pvt., cho biết: "Cổ phiếu Vedenta không giảm mạnh đến mức ông ấy có thể mua lại cổ phần từ cổ đông thiểu số ở mức thấp."

Lãi suất tăng vọt, tỷ phú buôn sắt vụn và đế chế hàng hóa khổng lồ ôm khoản nợ 7 tỷ USD - Ảnh 1.

Giải quyết những khoản nợ

Ngoài việc nỗ lực giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với Vedanta, ông vẫn còn những dự án khác đang trong quá trình thực hiện. Nhà tài phiệt đang thành lập quỹ đầu tư chứng khoán trị giá 10 tỷ USD - Centricus Asset Management Ltd., tập trung vào các thương vụ có "giá tốt" khi chính phủ Ấn Độ bán tài sản nhà nước trị giá 2,1 nghìn tỷ rupee (28,7 tỷ USD).

Vị tỷ phú đã thực hiện một loạt thương vụ mua lại tương tự cách đây 20 năm, mua và mở rộng các công ty kinh doanh kim loại mà chính phủ Ấn Độ bán theo chương trình thoái vốn vào thời điểm đó. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng với vai trò môi giới cho những thương vụ "khó nhằn". Ở tuổi 67, ông hiện sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires.

Năm 2001, khi đang trong quá trình mua lại 1 công ty nhôm, dù nguồn vốn khi đó khó để huy động nhưng Agarwal vẫn thực hiện chiến dịch được gọi là quan hệ công chúng. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất ở Ấn Độ và mời những nhân vật dự thầu đến từ ngân hàng. Không lâu sau, ông đã huy động được lượng vốn lớn hơn mục tiêu ban đầu.

Vedanta Resources trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên niêm yết tại London vào năm 2003, dù Agarwal sau đó đã tư nhân hóa. Tuy nhiên, năm vừa qua đã mang đến một loạt thách thức mới cho vị tỷ phú.

Khi đại dịch khiến giá hàng hóa lao dốc, giá dầu rơi xuống mức 0, công ty nghiên cứu CreditSights cho rằng trái phiếu của Vedanta Resources có thể có giá trị bằng 0 trong trường hợp vỡ nợ.

Điều các nhà phân tích lo ngại là khả năng tiếp cận nguồn tiền mặt của Vedanta Resources tại các đơn vị có khả năng mang lại nguồn vốn lớn ở Ấn Độ. Dẫu vậy, tình hình đã được cải thiện một phần nhờ giá hàng hóa đi lên.

Trái phiếu phát hành hồi tháng 12 của Vedanta đã giúp huy động vốn cho đợt trái phiếu đáo hạn vào năm 2021, loại bỏ rủi ro lớn đối với công ty dù chi phí đi vay đã tăng cao. Công ty này phải trả khoảng lãi suất 13,9% cho đợt bán trái phiếu này khi thu về 1 tỷ USD. Đây là mức lãi cao nhất mà họ phải trả khi phát hành trái phiếu USD từ trước đến nay.

Lãi suất tăng vọt, tỷ phú buôn sắt vụn và đế chế hàng hóa khổng lồ ôm khoản nợ 7 tỷ USD - Ảnh 2.

Vedanta đã ghi nhận mức lợi nhuận tốt nhất trong gần 3 năm trong quý kết thúc vào tháng 12, được thúc đẩy một phần bởi sự hồi phục của giá hàng hóa. Ngoài ra, tháng trước, India Ratings and Research đã thay đổi triển vọng của công ty này từ tiêu cực lên mức ổn định.

Hồi tháng 2, Vedanta Resources đã phát hành số trái phiếu trị giá 1,2 tỷ USD, thu hút nhu cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư. Thương vụ này có thể sẽ cho phép công ty sử dụng tiền thu được để mua thêm cổ phần trong Vedanta, cũng như thanh toán các khoản nợ hiện tại.

Moody’s Investors Service cho biết Vedanta Resources hiện có đủ tiền mặt để tồn tại trong năm nay, nhưng lưu ý rằng rủi ro vẫn còn, đặc biệt là về thanh khoản. Nguyên nhân là do công ty này phải đối mặt với những thách thức từ việc tái cấp vốn cho các khoản nợ sắp đáo hạn.

Theo báo cáo của Moody’s, Vedanta Resources đang đối diện với 3,3 tỷ USD trái phiếu đáo hạn từ tháng 4/2021 đến 9/2022, chỉ 65% trong đó sẽ được chi trả bằng cổ tức từ các công ty con. Đồng thời, trong bối cảnh lãi suất và giá cổ phiếu đang tăng với tốc độ ổn định, Agarwal sẽ khó có thể thực hiện việc thâu tóm công ty con Vedanta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại