PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Ở thời điểm hiện tại, việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động cho thấy tính thanh khoản tại các ngân hàng đang tốt lên và nguồn vốn tín dụng dần dồi dào.
Theo ông, với chủ trương của Chính phủ và dưới sự điều ngành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì lãi suất huy động trong tháng 5 sẽ tiếp tục giảm. Và khi NHNN phát động giảm lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ đồng loạt hạ lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay giảm theo.
Với đà giảm lãi suất huy động như hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dự báo thời điểm lãi suất cho vay giảm mạnh có thể là ngay trong đầu tháng tới.
“Tôi kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5 - 2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm đầu tháng 5”, ông Thịnh nói.
Lãi suất cả huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm trong tháng 5/2023. (Ảnh minh họa)
Mới đây, 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay thời gian tới.
Trên tinh thần đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, trong thời gian qua, NHNN liên tục giảm lãi suất trên thị trường mở từ 6% nay chỉ còn 5%. Ngoài ra, NHNN cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối... Từ đầu năm, cơ quan này đã 2 lần giảm các loại lãi suất điều hành, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng trên thị trường đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, mức giảm khoảng 1-1,5%/năm. Hiện nay, hàng loạt ngân hàng lớn đã điều chỉnh về dưới 8%/năm. Động thái diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành từ ngày 3/4, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 0,5%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm.
Nhận định về thị trường tín dụng, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt.
Ngoài ra, việc Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý II/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%.
Trong báo cáo phát hành mới đây, các chuyên gia Maybank Investment Bank cũng kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Nguyên nhân do lạm phát trong nước ở mức vừa phải (thấp hơn mức mục tiêu 4,5% của NHNN) và trục chính sách tiềm năng của Fed (thị trường tương lai của Mỹ đang cho thấy dự đoán lãi suất của Fed đạt đỉnh 5,0% vào tháng 5/2023 và giảm 50 điểm cơ bản trong quý II/2023).
“Điều này sẽ cho phép NHNN cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % vào giữa năm 2023 và 0,5 điểm % vào đầu năm 2024” , các chuyên gia Maybank Investment Bank nhận định.
Tương tự, Chứng khoán KB cho rằng NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4 - 4,5%. Theo đó, NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm % trong quý II/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.