Theo thống kê của Người Đồng Hành với 30 ngân hàng trên thị trường, SHB là đơn vị đang dẫn đầu về lãi suất huy động trên thị trường, ở mức 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng với điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Lãi suất 12 tháng của ngân hàng này cũng cao nhất hệ thống với 8,7%/năm cùng yêu cầu trên.
Theo sau SHB là NamABank với lãi suất 8,6%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, khi khách hàng đáp ứng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Ngân hàng Bản Việt xếp thứ 3 với lãi suất 8,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng không đề cập điều kiện cụ thể.
Theo sau là EximBank với lãi suất 8,4%/năm với yêu cầu tiền gửi trên 100 tỷ đồng với kỳ hạn 13 tháng và 500 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng, trong khi NCB có mức lãi suất tương đương cho kỳ hạn 24-26 tháng không kèm điều kiện. ABBank, đứng kế tiếp với lãi suất 8,3% cũng tại kỳ hạn 13 tháng với điều kiện tử gửi không nhỏ hơn 500 tỷ đồng.
Xét trên điều kiện thường, ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động 6,8-8,1%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn dao động 5-8%/năm, trong khi ngân hàng quốc doanh có lãi suất quanh 6,8%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ như NCB để lãi suất huy động cao 8,1%/năm.
Đồng loạt giảm lãi suất
ACB hạ lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó lãi suất kỳ hạn 1-3 tuần giảm 30 điểm cơ bản về 0,5%/năm. Kỳ hạn 1-3 tháng giảm 25-50 điểm cơ bản về 4,5-4,75%/năm (với tiền gửi thấp hơn 200 triệu đồng, lãi suất tăng thêm 5-10 điểm cơ bản khi số tiền gửi tăng).
Ở kỳ hạn 6 -9 tháng, lãi suất giảm 20 điểm cơ bản về 6,3-6,4%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng từ 7% xuống 6,7%. Các kỳ hạn 15-36 tháng giảm 35 điểm cơ bản dao dộng 7,05-7,25%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng được giữ nguyên ở 7,1%, nếu số tiền trên 30 tỷ sẽ hưởng lãi suất 7,6%/năm.
Cùng với ACB, Techcombank cũng hạ lãi suất tại tất cả ckỳ hạn. Lãi suất 1-5 tháng giảm 40 điểm cơ bản về 3,95%. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm từ 6,4% về còn 5,6%, trong khi kỳ hạn 7-11 tháng giảm 60 điểm cơ bản về 5,1%. Lãi suất 12, 18 tháng cũng giảm từ 6,5% xuống 5,7%. Những kỳ hạn trên 12 tháng còn lại giảm từ 50 điểm cơ bản về mức 5,6%/năm.
VPBank cũng giảm lãi suất tại tất cả kỳ hạn 5-35 điểm cơ bản, trong đó lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm về 4,25% từ mức 4,6%, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 25 điểm cơ bản, 6-13 tháng giảm 20 điểm cơ bản dao động 6,75-6,9%/năm, kỳ hạn trên 18 tháng giảm 15 điểm cơ bản.
Tương tự tại KienLongBank, lãi suất tại các kỳ hạn đều giảm 15-30 điểm cơ bản. Trong đó kỳ hạn 1-5 tháng giảm 25-30 điểm cơ bản dao động 4,55-4,75%. Kỳ hạn 6-11 tháng giảm 20 điểm cơ bản về 6,8%. Kỳ hạn trên 12 tháng giảm 10 điểm cơ bản về 7,5-7,9%/năm.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sau quyết định của NHNN. Ảnh: Liên Hương.
Hay ở SeABank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cũng giảm 25-30 điểm cơ bản. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 7-21 ngày giảm từ 0,8% xuống 0,5%/năm, 1 -5 tháng giảm từ 5% về 4,75%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất không thay đổi dao động từ 5,8% đến 6,95%/năm.
Trong khi đó ở một số ngân hàng khác, phần lớn lãi suất điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đơn cử Sacombank, lãi suất 1-6 tháng giảm 30-60 điểm cơ bản.
Trong đó, kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4,9% về 4,3%/năm, 2 tháng giảm từ 4,95% về 4,4%/năm, 3 tháng giảm từ 5% còn 4,5%, 6 tháng giảm từ 6,3% còn 6,1%. Các kỳ hạn trên 6 tháng không thay đổi, lãi suất dao động từ 6,2% đến 7,9%/năm.
Tại LienVietPostBank, lãi suất các kỳhạn dưới 12 tháng điều chỉnh giảm 30-70 điểm cơ bản. Trong đó kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất giảm 60 điểm cơ bản về 4,3%, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 25 điểm cơ bản về 4,75% và kỳ hạn 6-11 tháng giảm 60-70 điểm cơ bản về 5,3-5,4%/năm.
Baoviet Bank cũng điều chỉnh giảm kỳ hạn dưới 6 tháng 25-30 điểm cơ bản dao động từ 4,75%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng và 0,5% cho kỳ hạn 7-21 ngày.
Ở khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với trước đó. VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng -3 tháng ở mức 4,3%/năm.