Lãi suất liên ngân hàng khựng giữa lưng chừng “trần”

Lam Giang |

Thị trường vẫn tự dưỡng, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phải hành động, Kho bạc Nhà nước vẫn chưa rẽ vốn vào các ngân hàng thương mại như dự kiến…

Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có đợt biến động rất mạnh. Các mức tăng gấp đôi đến gấp ba so với trước đó được ghi nhận.

Cụ thể, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 và 2 tuần đều lần lượt vượt xa mốc 1%/năm; trong đó lãi suất qua đêm (kỳ hạn chiếm tới quanh 80% quy mô giao dịch trên liên ngân hàng) từ chỉ quanh 0,3%/năm hồi đầu tháng 4 đã vọt lên tới quanh 1,2%/năm.

Cùng với diễn biến trên, quy mô giao dịch tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng. Giao dịch qua đêm có quy mô lên tới trên 110.000 tỷ đồng, từ mức 80.000 – 90.000 tỷ đồng trước đó; đặc biệt quy mô này đã sôi động hơn rất nhiều so với mức độ chỉ 34.000 - 41.000 tỷ đồng hồi tháng 4 năm ngoái – thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội.

Sự sôi động và gia tăng quy mô vay mượn lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng phản ánh lượng cầu lớn, và đây là một trong những yếu tố tạo đột biến về lãi suất. Tuy vậy, thị trường vẫn tự dưỡng, các nhu cầu vốn vẫn được đáp ứng giữa các thành viên thay vì Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp như thời điểm đón Tết Nguyên đán trước đó.

Sau đợt biến động trên, một tuần trở lại đây và cho đến đầu tuần này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ổn định, khựng lại ở vùng đã thiết lập sau biến động. Nói cách khác, lãi suất liên ngân hàng hiện không trở về vùng thấp trước đó.

Mặc dù tăng đột biến rồi khựng lại, có xu hướng ổn định dần, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn hiện vẫn nằm ở lưng chừng “trần” của tương quan các kênh can thiệp.

Cụ thể, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước hàng ngày vẫn đều đặn chào thầu quy mô 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Mức lãi suất này được xem là “trần” ngắn hạn đối với biến động trên thị trường liên ngân hàng. Khi có nhu cầu đột biến, nếu lãi suất liên ngân hàng vượt quá mốc 2,5% đó thì bên vay có thể tiếp cận nguồn của Ngân hàng Nhà nước.

Đến hiện tại, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang nằm giữa mức “trần” nói trên. Cập nhật đến đầu tuần này, phiên 17/5, lãi suất chào bình quân ở đây qua đêm giảm nhẹ và ở 1,22%/năm; 1 tuần ở 1,26%/năm.

Qua đợt biến động cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, tâm lý thị trường có biểu hiện quan ngại về xu hướng tăng lên của lãi suất. Tâm lý này đặt trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng đột biến, giá cả nhiều loại hàng hóa trong nước liên tiếp tăng mạnh… Tuy nhiên, như trên, lãi suất liên ngân hàng đã khựng lại, có triển vọng ổn định dù đã vượt xa vùng rất thấp trước đó.

Phía trước, một nguồn có thể góp phần điều hòa nhu cầu vốn hệ thống là ngân quỹ nhàn rỗi mà Kho bạc Nhà nước dự kiến đưa ra mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BizLIVE hiện các tổ chức tín dụng chưa mấy mặn mà với nguồn này.

Trong khi đó, dòng tiền vẫn tiếp tục xu hướng chảy mạnh vào kênh trái phiếu Chính phủ phát hành mới. Sau loạt phiên có tỷ lệ gọi thầu thành công cao (80-90%), tuần qua cũng ghi nhận có phiên Kho bạc Nhà nước bán sạch lượng chào thầu với tỷ lệ trúng thầu 100%.

Một nguyên do, 2021 là năm cao điểm đáo hạn trái phiếu Chính phủ trước đây và các tổ chức tín dụng đầu tư mới để cân đối danh mục.

Như trên, qua những biến động gần đây, đặc biệt ở thời điểm thị trường có biểu hiện nhu cầu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phải can thiệp cụ thể. Ở kênh điều tiết lớn, nguồn tiền cung ứng mua ngoại tệ kỳ hạn quy mô khá lớn cũng còn hơn một tháng nữa để chảy ra thị trường và góp phần điều hòa hệ thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại