Lãi suất ổn định
Mặc dù qua 8 tháng của năm 2016, lãi suất có lúc tăng mạnh, có lúc giảm nhưng các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, lãi suất vẫn trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước, lãi suất có sự tăng giảm theo những nguyên nhân khách quan của thị trường.
Theo đó, các ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, dưới 12 tháng từ 4,5-6,5%/năm, lãi suất dài hạn trên 24 tháng nhiều ngân hàng niêm yết lên tới 7,2%/năm. Để đạt được mức lãi suất cao này, không chỉ phải gửi kỳ hạn dài mà khách hàng còn phải gửi với số tiền lớn từ hàng tỷ đồng trở lên, nhận lãi cuối kỳ.
Về lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức từ 7-9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 5-6% cho từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn, mức tín nhiệm theo quy định của ngân hàng.
Hành động này được các ngân hàng cho biết là tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ và kích cầu tín dụng.
Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này cho biết, thanh khoản trên thị trường tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp.
Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi do thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định; lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc TPCP đã đạt hơn 89% kế hoạch năm nên sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Đăc biệt, thanh khoản trên thị trường không những ổn định mà đang ở trạng thái dư thừa khi lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo nhận định từ Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 8, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đà giảm ở cả ba kỳ hạn. Từ mốc quanh 5% hồi đầu năm 2016 giảm xuống dưới 0,8% ở cả ba kỳ hạn.
BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giữ ở mức khá thấp trong vài tuần tới, khi có nhiều khả năng, hoạt động mua tăng dự trữ ngoại hối của NHNN vẫn đang được thực hiện với liều lượng khá lớn nhằm tranh thủ diễn biến thuận lợi của tỷ giá cũng như để tạo thêm nguồn ngoại tệ, đủ sức cân đối với các nhu cầu sử dụng khác của quốc gia.
Do đó, lãi suất cho vay và huy động sẽ được đà tiếp tục ổn định, nhưng để giảm thì còn nhiều khó khăn.
Nỗi ám ảnh nợ xấu
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Bản dự thảo nhận xét, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Việc xử lý nợ xấu đã mua của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn.
Lãi suất tín dụng trong thời gian từ 2012 đến nay - dù có xu hướng giảm - nhưng chưa tạo dựng được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn; khiến cho doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.
Do đó, mục tiêu đến năm 2020 là tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%.
Như vậy, để đạt được mục tiêu này, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, lạm phát phải giảm xuống, tỷ giá ổn định, đặc biệt là phải xử lý triệt để nợ xấu.
“Xử lý nợ xấu luôn là nhu cầu bức thiết, bởi khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại không những không thu hồi được nguồn vốn đã cho vay, mà còn phải tăng huy động để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ...
Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều và mức độ giảm, nếu có, sẽ không thể lớn như mong đợi”, ông Độ nói.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6-2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5-2016. Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù con số chung thì tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 3% như mục tiêu NHNN đã đề ra, nhưng tại các ngân hàng thương mại, số nợ xấu đã “bục” ra theo chiều hướng đáng lo ngại.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,3%, tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1,86% vào cuối năm 2015; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,83% tổng dư nợ, trong khi tại thời điểm đầu năm 2016, nợ xấu chỉ chiếm 1,85%...
Điều này còn chưa kể đến những hành động xử lý ngân hàng yếu kém, mua bán - sáp nhập ngân hàng sẽ làm lộ ra nhiều “con số” hơn nữa.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng để xử lý nợ xấu, xử lý nợ qua VAMC vẫn đang được thực hiện để kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Rõ ràng, mục tiêu đến năm 2020 của hệ thống ngân hàng được Chính phủ đặt ra nhiều trọng tâm, nhưng giải quyết các vấn đề trước mắt sẽ cần thiết hơn cả để giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, nâng cao năng suất lao động, từ đó sẽ có nguồn lực để thực hiện nốt những mục tiêu lớn hơn.