Lại nóng chuyện dự báo mưa lũ như 'con kiến', thiệt hại bằng con voi

NGUYÊN HUÂN |

Áp thấp nhiệt đới kéo theo mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc những ngày qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản.

Vậy phải chăng phương pháp tiếp cận, dự báo, đối phó với bão, lũ của ta không còn đáp ứng được yêu cầu trước sự biến đổi quá nhanh của khí hậu?

Dự báo sai số quá lớn

Qua đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10 vừa qua, có thể thấy một điều vô cùng nguy hiểm là công tác dự báo của ta lại một lần nữa cho thấy sai số quá lớn so với thực tế.

Trong khi đó, để chủ động cũng như có phương án đối phó tốt nhất trước thiên tai, công tác dự báo đóng vai trò quyết định.

Trước đó, khi cơn bão số 10 bắt đầu hình thành, trong các cuộc họp của BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ ban đầu nhận định bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Bình, đến Đà Nẵng, mãi đến ngày 9/10 đơn vị này mới xác định được cơn áp thấp sẽ đổ bộ vào Bắc Trung bộ.

Nhưng trên thực tế, ngoài Bắc Trung bộ, các tỉnh ĐBSH và một số tỉnh miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái mới là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Một vấn đề nữa, đó là lượng mưa được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra trung bình 100 - 200mm, lưu lượng nước ở các con sông dao động từ mức báo động 1 đến báo động 2, một số sông có thể đạt đến mức báo động 3.

Nhưng trên thực tế, lượng mưa cao hơn dự báo rất nhiều, một số nơi như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lượng mưa lên tới 400 - 500mm, hầu hết các hệ thống sông lớn từ Hà Tĩnh trở ra đều ở trên mức báo động 3, nhiều sông thậm chí đạt mức cao kỷ lục trong 30 năm trở lại đây.

Tại công trình thủy điện lớn có vai trò vô cùng quan trọng ở phía Bắc là Hòa Bình, dự báo ban đầu được cơ quan chức năng đưa ra, là lưu lượng về hồ chỉ xung quanh 3.000 m3/giây, nhưng đỉnh điểm tại hồ Thủy điện Hòa Bình có lúc lên tới 17.000 m3/giây, tức cao hơn gấp 5 lần so với dự báo.

Lại nóng chuyện dự báo mưa lũ như con kiến, thiệt hại bằng con voi - Ảnh 1.

Ảnh: Phan Cảnh


Chính bởi lưu lượng cao kỷ lục này, lần đầu tiên hồ thủy điện Hòa Bình phải mở tới 8 cửa xả đáy, đồng thời hồ thủy điện Sơn La phải tạm dừng phát điện, đóng tất cả các cửa xả để cứu nguy cho hồ thủy điện Hòa Bình, nếu không chưa biết chuyện gì có thể xảy ra.

Trả lời câu hỏi về khâu dự báo mưa còn nhiều hạn chế trong các ngày 11 - 12/10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chiều ngày 13/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho hay, dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác lượng mưa bao nhiêu lại càng khó.

Ngoài ra, khi gặp các loại hình thời tiết như kết hợp giữa không khí lạnh với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì khâu dự báo định lượng mưa lại càng khó nữa.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão thường xảy ra mưa rất lớn và chủ yếu mưa vào ban đêm hoặc gần sáng, do đó các bản tin dự báo cuối giờ chiều là rất quan trọng.

Cần thay đổi cách tiếp cận?

Trao đổi với các cơ quan báo chí ngày 12/10 tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) trong chuyến tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra hiện trường vụ sạt lở đất làm 18 người chết và mất tích, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, những năm gần đây cho thấy thiên tai có những biểu hiện bất thường, khó lường chưa từng có trong lịch sử.

Lại nóng chuyện dự báo mưa lũ như con kiến, thiệt hại bằng con voi - Ảnh 2.

Ảnh: Nguyên Huân


Trong đó, những thiệt hại lớn về người và tài sản chủ yếu do lũ quét và sạt lở đất.

Đây là vấn đề lớn đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những phương tiện, giải pháp mới hơn, hiện đại hơn trong việc tiếp cận, dự báo, đánh giá, cảnh báo thời tiết, thiên tai, bởi biến đổi khí hậu hiện nay rất khốc liệt, sinh ra rất nhiều loại hình thời tiết dị thường.

Giai đoạn 2000 - 2015, cả nước ghi nhận trên 150 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại kinh tế ước tính 3.300 tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài cho biết, ngoài biến đổi khí hậu còn do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà cực nhanh gọn. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà như vậy cần phải sơ tán.

Cũng theo ông Hoài, có thêm nguyên nhân khác là tại một số tỉnh miền núi như Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị "cạo trọc", thay vào đó là những nương ngô, nương sắn.

Khi có mưa lũ dồn dập, không còn những cánh rừng che chắn nên nước mưa nhanh chóng ngấm sâu vào lòng đất, gây sạt lở tại một số vùng có địa hình đồi dốc. Trong khi đó, việc khôi phục những cánh rừng trên phải mất tới hàng chục năm.

Lại nóng chuyện dự báo mưa lũ như con kiến, thiệt hại bằng con voi - Ảnh 4.

Mưa lũ tại Văn Chấn gây sạt lở Suối Thia (Ảnh: Thái Sinh)


Chia sẻ tại Hội thảo Sạt lở đất, lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội, TS Đinh Văn Tiến,Viện Khoa học Công nghệ GT-VT cho rằng, việc cần làm hiện nay xây dựng cơ sở dữ liệu về trượt đất và đặc điểm trượt đất của những vùng cụ thể.

Với những khu vực được dự báo là nhạy cảm, cần có thiết bị quan trắc để từ các chỉ số thống kê. Bản đồ này phải xây dựng cho từng xã, từng địa phương.

Còn theo PGS.TS Mai Quang Vinh, GĐ Trung tâm Thời tiết nông nghiệp chính xác iMetos Việt Nam, hiện nay mật độ các trạm đo thời tiết và quan trắc của Việt Nam quá thưa, khoảng 183 đài/trạm (1.400 - 2.000 km2/trạm), 427 trạm đo mưa tự động và 40 trạm khí tượng tự động, bán tự động, không có chức năng cảnh báo tức thì, chia sẻ số liệu kịp thời, không có dịch vụ thời tiết tiểu vùng, tọa độ theo nhu cầu, kết nối 2 chiều với mạng dự báo toàn cầu hạn chế nên công tác dự báo thường chậm và sai số cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại