Lại những câu hỏi về các dự án nhiệt điện LNG vốn lớn tại Việt Nam

Lan Nhi |

Trong khi tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng Dự án nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng mức đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ có thể đi vào vận hành từ ...

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra tiến độ dự án LNG Bạc Liêu hồi tháng 7-2020 Ảnh: moit.gov.vn

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra tiến độ dự án LNG Bạc Liêu hồi tháng 7-2020 Ảnh: moit.gov.vn

Trong bản góp ý mới đây gửi tới Bộ Công Thương, Văn phòng Ban chỉ đạo về phát triển điện lực, Vụ dầu khí và than, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty cổ phần PV Gas, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... đều đề nghị: “Cân nhắc tỷ trọng nhiệt điện LNG và bố trí cụm nhà máy nhiệt điện LNG, vì toàn bộ chi phí vốn đầu tư kho cảng, đường ống cấp khí đến nhà máy sẽ tính trong giá LNG đến nhà máy, phối hợp lồng ghép với phát triển hệ thống cảng biển. Nếu phát triển quá dàn trải sẽ làm tăng chi phí giá điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và không thực hiện được dự án”.

Các cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu khả năng quy hoạch các kho cảng LNG tập trung và phương án trung tâm điện lực tập trung để nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm giá thành khí cho điện. Đồng thời yêu cầu cân nhắc liệu việc xây dựng một số kho cảng LNG với mật độ dày và trên cùng một khu vực có phát huy hiệu quả kinh tế không? Có phù hợp với quy hoạch quốc gia không?

Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, nơi tư vấn thực hiện bản Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII, nhận định rằng: Việc bố trí các cụm nhà máy LNG cũng sẽ kết hợp với quy hoạch cảng và nhu cầu khí ngoài điện ở các vùng, chứ không phát triển dàn trải làm tăng chi phí giá điện. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán đề xuất quy mô nguồn điện LNG theo vùng. Kết quả cho thấy nhu cầu LNG cho sản xuất điện chỉ tập trung tại Bắc Bộ và Nam Bộ.

Việc nghiên cứu quy hoạch các kho cảng LNG tập trung là cần thiết song không chỉ riêng quy hoạch điện có thể làm được mà cần phối hợp với nhu cầu khí của các hộ tiêu thụ ngoài điện và các ngành khác để thực hiện. Hiện tại, quy hoạch hệ thống kho cảng đầu mối LNG và hệ thống hạ tầng thuộc phạm vi của Quy hoạch năng lượng quốc gia, đang triển khai song song cùng Quy hoạch điện VIII.

Xung quanh các dự án LNG có vốn đầu tư hàng tỉ đô la trong thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến trong ngành điện phản biện về tính hiệu quả của nó. Như dự án LNG Bạc Liêu có tổng mức đầu tư 4 tỉ đô la mà tỉnh Bạc Liêu rất ủng hộ, thì ngoài câu hỏi lớn về năng lực chủ đầu tư thì tư vấn của Bộ Công Thương cũng tính toán và chỉ ra rằng mức giá bán điện là 7 cent Mỹ/kWh như nhà đầu tư đề xuất là không khả thi (mức giá bao gồm đủ chi phí có thể lên đến 8,3 cent/kWh). Do đó, quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện 3 (GENCO 3), trong bảng Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là một cơ hội lớn cho việc sử dụng LNG tại Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (bao gồm cả các dự án mới được bổ sung quy hoạch) nước ta hiện có các dự án điện khí LNG sau đây:

Chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải - Nhơn Trạch, bao gồm Dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải (công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) và Dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất khoảng 1500MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2022-2023).

Tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ, bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 (Bình Thuận) có tổng công suất khoảng 4000MW. Dự kiến các Nhà máy điện này sẽ đi vào vận hành vào các năm 2024-2027.

Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1 công suất khoảng 1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 công suất khoảng 1200-1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3200MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2024-2027, trong đó, dự án giai đoạn 1 quy mô công suất 800MW đưa vào vận hành năm 2024-2025.

Ngoài ra, còn hàng loạt các dự án khác đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất nghiên cứu và phát triển tại các địa phương trong cả nước, như: Dự án Tổ hợp điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có công suất 1600MW cho giai đoạn 1, Dự án Khí điện LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án kho cảng LNG Vân Phong (Khánh Hòa) công suất 10 triệu tấn LNG/năm, cung cấp LNG cho Trung tâm điện lực Mỹ Giang công suất 6.000 MW; Dự án điện khí LNG Vân Phong 2 (Khánh Hòa) công suất 3 triệu tấn LNG/năm, công suất nhà máy điện 3.000 MW; Dự án kho LNG Hà Tĩnh công suất 3,5 triệu tấn/năm cấp cho các nhà máy điện công suất 3.600 MW; Dự án Trung tâm điện khí LNG Long An (thay thế các Nhà máy điện than, tổng công suất 2.800 MW); Dự án LNG Xẻo Rô (Kiên Giang); Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Nam (Quảng Nam), công suất 4.000MW; Dự án NMNĐ LNG Quảng Trị 1, 2: quy mô công suất 3.000 MW; và các dự án khác tại Cà Mau, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng...

Có thể nói, các quy hoạch điện VII, quy hoạch điện VII mở rộng, quy hoạch khí được phê duyệt cho tới thời điểm này chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra. Tình trạng đăng ký đầu tư theo phong trào dẫn đến phải bổ sung, chắp vá quy hoạch dẫn đến tình trạng xin - cho và nảy sinh tiêu cực (tình trạng vừa qua đối với làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo) và có thể sắp tới là đối với các nhà máy điện sử dụng LNG.

Thống kê sơ bộ hiện đã có khoảng hơn 25 dự án đã và đang được xem xét bổ sung quy hoạch, công suất lến tới 50GW. Điều này đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu, quản lý năng lượng phải xem xét kỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại