Phượng Hoàng là tên một cổ trấn của Trung Quốc, nằm tại huyện Phượng Hoàng, châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam.
Cũng như nhiều cổ trấn trứ danh khác của đất nước Trung Quốc, địa danh này được bảo tồn rất tốt cả về giá trị lịch sử, nét văn hóa truyền thống của những dân tộc ít người.
Minh chứng điển hình chính là những thành quách, dãy phố, căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa và một số kiến trúc đặc biệt dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Chính những công trình đó giúp Phượng Hoàng trở thành thị trấn 1.300 tuổi.
Cảnh sắc như trong tranh vẽ tại Phượng Hoàng cổ trấn. Ảnh: Baidu
Nhà văn người New Zealand - Louis Aileen từng nhận xét đây là thị trấn đẹp nhất Trung Quốc, hay trong tiểu thuyết “Biên thành”, tác giả Thẩm Tùng Văn khắc họa trấn Phượng Hoàng đẹp như một bức tranh thủy mặc, chậm rãi, yên tĩnh và mong manh.
Cổ trấn nhỏ Phượng Hoàng chỉ có một con phố chính, tuy nhiên, nó được bao phủ bởi một hàng rào xanh quyến rũ.
Các tòa lâu cao hai tầng, mái phượng hoàng, cửa sổ khắc hoa xinh xắn và cổ kính. Qua năm tháng, những dải thường xuân vươn cao bám chặt vào các khung cửa, mái ngói, lặng lẽ thả mình xuống dưới.
Một trong những điểm đặc trưng của cổ trấn nằm ở phong cách kiến trúc “phượng hoàng”, được thể hiện trong cách xây dựng các hợp viện, nhà ở và những cây cầu lớn.
Cầu Hồng Kiều ở trung tâm cổ trấn là một biểu tượng của phong cách này. Xây dựng vào năm 1615, nó được thiết kế như một nhà lâu dài, gồm hai tầng lầu bắc qua sông Đà.
Cột cầu có niên đại từ thời nhà Minh, được chạm trổ hoa văn chìm. Phần mái lợp ngói cổ âm dương, đầu mái cong vút, kiêu hãnh như phượng hoàng. Kiểu kiến trúc này ngày nay vẫn rất thịnh hành ở cổ trấn. Các căn nhà mới xây, thậm chí là chung cư cũng ưa chuộng kiểu mái này.
Một Phượng hoàng không hối hả, trầm mặc và yên bình. Ảnh: Baidu
Vốn là một thành lũy quan trọng nhất ở vùng biên giới phía Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của cả vùng, Phượng Hoàng đã trải qua nhiều biến động lịch sử, các cuộc xung đột sắc tộc và trở thành một tòa thành có văn hóa pha trộn giữa người Hán và người Miêu.
Ban đầu, Phượng Hoàng chỉ là một thành cổ nhỏ nằm về một phía của bờ sông Đà. Theo thời gian, người địa phương chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ, khiến nơi đây ngày một tấp nập.
Dòng Đà Giang là huyết mạch của cổ trấn, cũng là nơi lưu giữ nhiều dấu tích cổ xưa và là một điểm nhấn, giúp tạo nên cảnh sắc nơi đây. Do có phần đáy không quá sâu và lại chứa nhiều tảo và rêu, nên màu nước con sông luôn hiện diện một màu xanh lục đẹp mắt.
Đôi khi cổ trấn nhỏ hiện lên như giống như tiên cảnh. Ảnh: Baidu
Tại cổ trấn, du khách có thể dễ dàng du nhập vào nếp sống sinh hoạt rất bình dị của các dân tộc tại đây.
Hình ảnh những cô gái dân tộc Miêu bên sạp hàng nhỏ thêu thùa, khâu vá, làm các đồ thủ công mỹ nghệ bằng bạc tinh xảo hay người dân tộc Thổ Gia kết đèn hoa bằng giấy với nhụy là một cây nến nhỏ, để ai đó có thể đốt lên ước mơ của mình và thả xuống dòng sông, được coi là nét đặc trưng của trấn.
Mặc dù cuộc sống hiện đại, nhưng người dân vẫn giữ tập tục hàng ngày, ra bến Đà giang tắm giặt, rửa rau quả… như một nghi thức quen thuộc của người dân địa phương chốn này.
Thị trấn cổ Phượng hoàng được liệt kê vào danh sách dự kiến di sản thế giới UNESCO hạng mục văn hóa vào ngày 28/3/2008. Ngày nay, cổ trấn nhỏ này thu hút rất nhiều lượt khách du lịch mỗi năm.
Nhiều người nhận định, chính cuộc sống không thay đổi nơi đây trong nhiều thế kỷ là điểm hấp dẫn nhất của Phượng Hoàng. Thị trấn giúp du khách có cái nhìn sắc nét về một Trung Quốc khác, không hối hả, trầm mặc và yên bình.