Labyrinth hay mê cung, mê hồn trận,... là biểu tưởng khá phổ biến trong phim ảnh lẫn thần thoại, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp và các công trình tôn giáo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa thực sự của biểu tượng cổ xưa này cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa mê hồn trận labyrinth với mê cung thông thường. Hãy cùng chúng tôi giải mã biểu tượng nổi tiếng này trong bài viết dưới đây!
LABYRINTH TRONG THẦN THOẠI
Biểu tượng labyrinth xuất hiện sớm nhất có lẽ là trong thần thoại Hy Lạp, nó gắn liền với miêu tả về mê cung của con quái vật Minotaur. Tên gọi "labyrinth" có nghĩa là ngôi nhà của hai chiếc rìu, nó liên quan đến Labrys một biểu tượng quyền lực trong văn hóa Minoan.
Mặc dù labyrinth và mê cung đều cùng diễn tả một thứ giống nhau, song về bản chất giữa chúng có sự khác biệt. Mê cung thông thường (maze) có nhiều con đường khác nhau, bao gồm cả những nhánh rẽ dẫn đến ngõ cụt, trong khi một mê hồn trận labyrinth lại chỉ có một con được duy nhất dẫn đến tâm, ngoài ra không có bất cứ con đường nào khác để lựa chọn.
Bên cạnh đó, không gian trong mê hồn trận labyrinth thường được sử dụng khéo léo để khiến con đường đi càng quanh co càng tốt.
Ý NGHĨA CỦA BIỂU TƯỢNG LABYRINTH
Ý nghĩa quan trọng nhất của mê hồn trận labyrinth là diễn tả một mê cung – nơi linh hồn thực hiện cuộc hành trình đi đến tâm để rồi sau đó quay trở ngược ra bên ngoài thêm một lần nữa, nó chính là hình ảnh của vòng luân hồi, của cái chết và sự tái sinh, một cuộc hành hương siêu hình của linh hồn.
Vị trí trung tâm của mê hồn trận labyrinth đại diện cho tử cung, và đến được trung tâm của mê hồn trận labyrinth tức là chạm đến được sự khởi sinh và khai sáng. Ý nghĩa này của labyrinth có đôi nét tương đồng với biểu tượng mandala cũng như các hình xoắn ốc của người Celt được tìm thấy trên những tảng đá lớn trước lối vào Newgrange ở Ireland.
BIỂU TƯỢNG LABYRINTH TRONG THỰC TẾ
Biểu tượng labyrinth phổ biến trong thực tế, và thậm chí còn xuất hiện sớm hơn cả trong thần thoại. Chúng được phát hiện trên những tấm bùa từ thời Ai Cập cổ đại, trên các dấu triện của người Mycenae (người dân sống tại thành phố Mycenae của Hy Lạp cổ, thành phố này là trung tâm trong thời kỳ văn hóa đồng thiếc), và trên cả những chiếc bình thời Etruscan.
Biểu tượng labyrinth cũng được các nhà thờ Công giáo thừa nhận, sớm nhất là tại nhà thờ Reparatus Basillica ở Algeria, có niên đại từ năm 324.
Nhìn chung, các con số liên quan đến hình dạng hoặc số vòng đồng tâm hoặc chiều dài của labyrinth rất đáng lưu ý; tiêu biểu như labyrinth nổi tiếng tại Nhà thờ đức bà Chartres, có cả thảy 11 vòng với chiều dài chính xác là 666 feet. Vì con số 666 thường được liên hệ đến những ý nghĩa tiêu cực, ma quỷ nên đã có rất nhiều giả thuyết về người thiết kế của labyrinth này.
Ở trung tâm của labyrinth đặc biệt này còn có một bông hoa sáu cánh che phủ ngôi sao lục giác hay Dấu ấn Solomon như lời nhắc nhở rằng labyrinth đôi lúc còn được gọi là Mê cung Solomon. Con đường của labyrinth chạy theo hai hướng: xuôi chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ.